Bài thơ: Thơ Duyên
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền.
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần.
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần.
Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân.
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
Ai hay tuy lặng bước thu êm,
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm.
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.
Nguồn: Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004 (dẫn lại từ Tổng tập văn học Việt Nam (tập 27), NXB Khoa học xã hội, 1990)
Thông tin về tác giả Xuân Diệu
Ngô Xuân Diệu (2 tháng 2 năm 1916 — 18 tháng 12 năm 1985), là nhà thơ, nhà báo, nhà văn viết truyện ngắn và nhà phê bình văn học người Việt Nam. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX. Được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, Xuân Diệu nổi tiếng với tập Thơ thơ (1938), thể hiện một tiếng nói riêng biệt chịu ảnh hưởng văn hoá phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa tượng trưng Pháp. Ông là một trong những người đầu tiên áp dụng thủ pháp thơ phương Tây như enjambment vào thơ Việt Nam, dù đôi khi vẫn tuân theo hình thức truyền thống như lục bát. Trong khoảng thời gian từ năm 1936 đến năm 1944, thơ của ông đã thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, Xuân Diệu còn được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”. Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945, thơ của ông chủ yếu ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh, và các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; ông không còn sáng tác thơ tình nhiều như trước. Khi qua đời năm 1985, ông để lại khoảng 450 bài thơ, cùng một số truyện ngắn, tiểu luận phê bình.
Ngô Xuân Diệu, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại quê mẹ Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha là ông Ngô Xuân Thọ (trong tộc phả ghi là Ngô Xuân Thụ) và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp. Sau này ông lấy tên làng là Trảo Nha làm bút danh. Xuân Diệu sống ở Tuy Phước đến năm 11 tuổi thì ông vào Nam học ở Quy Nhơn.
Có thể bạn quan tâm: |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu đến mọi người! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!