Những Cánh Hoa Tàn – Nam Cao

Những cánh hoa tàn - Nam Cao

Thể Loại Văn học – Tiểu thuyết
Tác Giả Nam Cao
NXB NXB Văn Học
CTy Phát Hành Minh Thắng
Số Trang 160
Ngày Xuất Bản 04-2018
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Những Cánh Hoa Tàn

Những Cánh Hoa Tàn của là tập truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao được xuất bản năm 1988. Trong truyện ngắn không có cảnh nghèo khổ, chuyện bất công nào cả. Chỉ có một cậu bé và một người con gái cậu gọi bằng chị mà về sau mới biết chính là người yêu đầu tiên của mình. Nổi bật nhất trong tác phẩm là câu chuyện tình ngây thơ đượm buồn của nhân vật Uyển và Tân

Thông tin nhà văn Nam Cao

Nam Cao là một nhà văn và cũng là một chiến sĩ, liệt sĩ người Việt Nam. Ông là nhà văn hiện thực lớn (trước Cách mạng Tháng Tám), một nhà báo kháng chiến (sau Cách mạng), một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.

Nam Cao có bút danh là Thúy Rư, Xuân Du, Nguyệt, Nhiêu Khê… Tên khai sinh: Trần Hữu Tri (có nguồn ghi là Trần Hữu Trí), sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917, nhưng theo người em ruột của ông là Trần Hữu Đạt thì ông sinh năm 1915. Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.

Ông xuất thân từ một gia đình Công giáo bậc trung. Cha ông là ông Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và thầy lang trong làng. Mẹ ông là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải.

Thuở nhỏ, ông học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung (nay là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định). Nhưng vì thể chất yếu, chưa kịp thi Thành Chung, ông đã phải về nhà chữa bệnh, rồi cưới vợ năm 18 tuổi.

Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùngHai cái xác. Ông gửi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn NghèoĐui mùNhững cánh hoa tànMột bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư.

Trở ra Bắc, sau khi tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, Nam Cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành, trên đường Thụy Khuê, Hà Nội. Ông đưa in truyện ngắn Cái chết của con Mực trên báo Hà Nội tân văn và in thơ cùng trên báo này với các bút danh Xuân DuNguyệt.

Năm 1941, tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi, tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ, với bút danh Nam Cao do Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo.

Phát xít Nhật thâm nhập Đông Dương, trường sở bị trưng dụng, ông rời Hà Nội, về dạy học ở Trường tư thục Kỳ Giang, tỉnh Thái Bình, rồi về lại làng quê Đại Hoàng. Thời kỳ này, Nam Cao cho ra đời nhiều tác phẩm. Ông in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc Chủ nhật, viết xong tiểu thuyết Chết mòn, sau đổi là Sống mòn

II. Review sách Những Cánh Hoa Tàn

Review sách Những cánh hoa tàn - Nam Cao

  • Chúng tôi đang cập nhật review sách Những Cánh Hoa Tàn của nhà văn Nam Cao.
  • Rất xin lỗi bạn đọc vì sự bất tiện này.

III. Trích dẫn sách Những Cánh Hoa Tàn

Trích dẫn sách Những cánh hoa tàn - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn đăng trên báo ÍCH HỮU, số 13, 13-7-1937

Hồi ấy tôi mới lên mười. Mà Uyển thì mười sáu. Nhà tôi biết nghề làm “đăng-ten”, lại có tiếng là nhà nền nếp, đứng đắn, nên nhiều người làng đem con gái gửi cho học nghề và nhờ dạy dỗ. Trong số những người học việc ấy, Uyển được mẹ tôi săn sóc đến hơn hết cả. Có lẽ vì Uyển chăm chỉ, nết na, lại thêm vẻ xinh xắn, dịu dàng ít có. Uyển cũng mến mẹ tôi lắm, chẳng khác gì con yêu mẹ. Có lần mẹ tôi ốm, Uyển săn sóc thuốc thang ân cần quá, đến nỗi mẹ tôi cảm động đến chảy nước mắt và bảo rằng: “Giá trời cho mẹ một người con gái như Uyển thì quý biết bao! Nhà nào cưới được nó làm con dâu thật là nhà có phúc.”

Nhưng quyến luyến Uyển nhất có lẽ là tôi. Tôi trọ học tỉnh lỵ cách làng chừng 15 cây số. Không mấy chủ nhật là mẹ tôi không ra tỉnh thăm tôi, nhân tiện để sắm đồ cần dùng, mà lần nào cũng đi với Uyển. Vì thế, tôi đếm từng ngày cho đến ngày vui vẻ ấy, và ngay từ sáng sớm đã đứng cửa chờ mẹ tôi và Uyển. Thấy hai người từ đằng xa đi lại, tay cắp thúng không, tôi đã vội chạy đến, vui vẻ như con chim con thấy mẹ cõng mồi về. Uyển tươi cười nắm tay tôi, và tôi thì vừa nói, vừa cười, vừa thở vì chạy mệt, tíu ta tíu tít khiến mẹ tôi và Uyển cảm động nhìn nhau mỉm cười. Tới nhà trọ, Uyển đặt thúng xuống, lật vỉ buồm lấy cho tôi mấy thứ quả lành Uyển đã kiếm làm quà cho tôi từ hai ba hôm trước. Tôi đứng tựa vào lòng Uyển, vừa ngồm ngoàm nhai quả, vừa hỏi chuyện từ cây cam ở đầu sân, cây hồng ở bờ ao, khóm tầm xuân leo bờ giậu, cho đến con gà tồ lấy giống từ trên ông Lý Ðà Xuyên, con mèo xám mua ba hào rưỡi, con chó vện mua bằng tiền bỏ ống của tôi kỳ nghỉ hè năm ngoái. Uyển vui vẻ trả lời tôi hết, lại còn nói cho tôi nghe thêm nhiều chuyện nữa.

— Vườn mía sau nhà tốt đáo để, bao giờ được nghỉ, Tân về mà xem; cây ổi tàu cao lắm rồi, chắc năm nay có quả; cá ở ao thì nhiều con lớn quá, giở trời nó cứ đặc như rươi vậy…

Mỗi chuyện Uyển gợi ra tôi lại hỏi thật nhiều, hỏi để được nghe Uyển nói, để câu chuyện đằm thắm làm quên giờ về. Lần nào cũng vậy, tôi đợi mẹ tôi giục hai, ba lượt mới chịu cho hai người đứng lên. Tôi lại nắm tay Uyển theo hai người đi một quãng thật xa, nhưng bây giờ thì buồn rầu, chậm rãi chứ không vui vẻ như lúc đón. Uyển xoa đầu, an ủi tôi:

— Thôi, Tân trở lại đi kẻo mỏi chân. Lần sau chị lại ra chơi và mang làm quà cho thật nhiều mía ông voi, ăn cho đỡ khát…

Hai người đi xa rồi, tôi còn tần ngần nhìn mãi, bâng khuâng như mất một vật quý, cố nhếch mép cười mỗi khi Uyển quay lại gật đầu chào, dịu dàng như ném cho tôi một cái hôn âu yếm.

Chưa bao giờ tôi thấy một kỳ nghỉ hè vui vẻ như kỳ nghỉ hè năm ấy. Uyển đến nhà trọ đón tôi để mang hộ sách vở và quần áo của tôi về. Rồi, hơn hai tháng, chúng tôi sống bên nhau những ngày êm đềm đầy luyến ái. Tôi luôn luôn theo Uyển, xem Uyển làm “đăng-ten”, đọc cho Uyển nghe những câu hát và những truyện trong quyển sách tập đọc của tôi, khoe với Uyển những bài thi tôi được nhất, và bắt Uyển đan rọ cho tôi bỏ trái thị. Còn Uyển không bỏ lỡ một dịp nào để làm tôi vừa ý. Uyển cặm cụi rọc lá dứa cuộn cho tôi những cái kèn rất đẹp, và tìm cho tôi rất nhiều hoa để ướp sách chơi, nhiều quá đến nỗi ba, bốn quyển sách in của tôi đều căng lên tất cả. Lúc rỗi, chúng tôi lại cùng nhau ngồi giở sách, xem lại những cánh hoa cóp nhặt hàng tháng, đã héo khô, mất cả mầu tươi lúc trước. Tối đến, trong khi mọi người ngồi nói chuyện trong hè, chúng tôi đưa nhau ra bờ ao nghe ếch nhái kêu, bắt đom đóm dúm lá khoai treo lên cành khế làm đèn, hay kể những chuyện ma quái để hai đứa cùng sợ ôm sát nhau mà so người lại. Một lần, nhìn vòm trời dịu như nhung với muôn nghìn ngôi sao như những bông hoa mai nở trắng xóa đầy một cái rừng bao la, không giới hạn, chúng tôi cùng như bị một sức huyền bí gì bắt ngồi lặng bên nhau, không nói. Bỗng Uyển ôm lấy tôi ghì mạnh vào người một cái rồi lại vội buông ra mà cười khanh khách…

Một hôm, ở nhà bác tôi có giỗ họ. Mẹ tôi và cả nhà đều đến dự, để nhà cho mình Uyển coi. Lẽ tất nhiên là tôi tìm cớ không đi ăn giỗ để ở nhà với Uyển. Chúng tôi dọn cơm sáng ăn với nhau rồi, Uyển bảo tôi ở sân chơi để Uyển ra vườn hái mấy lá trầu về ăn. Uyển đi lâu quá, tôi vốn nhút nhát thấy nhà vắng, im phăng phắc thì đâm sợ, chạy ra vườn tìm Uyển. Tôi lạ lùng khi thấy Uyển đang ngồi nấp sau một bụi dong ở bờ ao, thẫn thờ nhìn mấy con kéo vó chân nhỏ tăm tắp và dài nghêu ngao lướt trên mặt nước… Khi thấy động, Uyển giật mình quay lại thì mí mắt lại long lanh vài giọt lệ. Tôi chực hỏi thì Uyển đã bò ra, trợn mắt, lè lưỡi làm ma nát tôi khiến tôi kêu thét lên mà chạy vội về sân. Một lát, Uyển cũng về, tóc xõa ra, mồm nhai trầu đỏ tươi, mặt ửng hồng như say rượu. Tôi ngạc nhiên trước cái vẻ đẹp lạ của Uyển, một vẻ đẹp khác mọi ngày, nó làm tôi sửng sốt và mơ hồ như sờ sợ. Bỗng Uyển lè lưỡi đỏ chót, hai mắt long lanh chạy lại. Tôi thét lên và dúm người ngồi sệt xuống. Uyển vồ lấy tôi ôm gọn tôi vào lòng và hôn vồ vập vào mặt, vào cổ, vào lưng tôi như muốn nuốt. Hơi thở Uyển hổn hển, tim Uyển đập mạnh, ngực Uyển phập phồng và nóng sực. Tôi cố vùng ra và chực chạy. Nhưng Uyển cười lớn kêu tôi lại:

— Tân nhát quá, Uyển đây mà, có phải ma đâu… Lại đây mà ăn trầu.

Tôi ngờ vực đứng nhìn một lúc, chỉ sợ ma nhập vào người Uyển. Nhưng nụ cười trong trẻo, dịu dàng mọi ngày đã trở lại cặp môi tươi, trên cái mặt đã không còn bừng đỏ nữa. Tôi rụt rè mon men lại. Uyển lấy khăn tay lau những vết quết trầu mà đôi môi ướt đã in lên má, lên cổ tôi lúc nãy. Tôi nũng nịu bảo:

— Uyển làm em sợ hết hồn. Em tưởng ma nhập vào người Uyển.

Uyển khẽ tát yêu vào má tôi một cái, rồi nhìn lặng tôi bằng con mắt vô cùng êm dịu. Bỗng đôi mắt ấy mờ đục lại như thoáng qua một ý buồn. Uyển rầu rầu bảo tôi:

— Chị sắp phải xa Tân rồi. Tân ạ.

— Sao thế, chị?

— Chị không còn được ở đây nữa.

Tôi ngạc nhiên:

— Sao vậy?

Uyển ngập ngừng một chút:

— Chị phải đi lấy chồng.

Mí mắt Uyển chớp nhanh mấy cái, và tôi thấy Uyển kéo vạt áo lên hỉ mũi. Tôi lẳng lặng mân mê dải lưng nhiễu Uyển, rồi bằng một giọng rất cảm động, tôi ngước mắt nhìn mặt Uyển và nói:

— Không đâu, chị Uyển, chị đừng về nhé. Em không muốn chị đi lấy chồng.

Uyển cố chắp một nụ cười nhưng nước mắt đã giàn ra má…

Tháng mười năm ấy, Uyển đi lấy chồng. Ðám cưới vào một ngày chủ nhật nên tôi cũng được về quê để đưa dâu. Tôi theo mẹ tôi vào thẳng ngay buồng Uyển. Uyển thấy tôi thì mừng rỡ lắm nhưng mắt Uyển đỏ ngầu như vừa mới khóc. Chúng tôi nắm tay nhau mà chẳng nói gì. Có lẽ bởi thẹn thò vì những tiếng cười đùa ở xung quanh vì thấy tôi luyến Uyển hơn em luyến chị. Người ta càng buồn cười khi thấy lúc đưa dâu, tôi vẫn theo rịt không rời Uyển ra. Ðến tận lúc tới nhà trai, Uyển phải vào lễ tơ hồng, tôi mới chịu xa Uyển để ra ngồi cỗ. Nhưng ăn uống xong, lúc tôi chực về thì Uyển gọi giât tôi lại. Uyển dắt tôi ra một chỗ vắng, móc túi lấy một cái rọ thị đan bằng tơ đỏ một cách tỉ mỉ, và sụt sịt bảo tôi:

— Mùa thị đã qua rồi, nhưng em giữ cái rọ này để dành đến mùa sau. Nghỉ hè sang năm không còn ai đan rọ cho em nữa…

Rồi chúng tôi nhìn nhau, rơi nước mắt.

Từ bấy đến nay đã bao độ hoa tàn. Tôi còn qua bảy tám kỳ nghỉ hè, tôi đã đi đưa dâu thêm bốn năm đám cưới. Mỗi dịp đều nhắc cho tôi ít nhiều kỷ niệm của ngày qua. Sau cùng vì công việc của đời lôi cuốn, tôi đã hầu quên bẵng người đã cùng tôi kết một mối tình trong trẻo và cảm động buổi xuân đời. Cho đến hôm nay, ngồi buồn, vô tình giở lại những cánh hoa tàn thuở trước, và cái rọ bằng tơ đỏ năm xưa, tôi lại thấy Uyển từ dĩ vãng xa xăm trở lại. Uyển trở lại với cả một mối tình u uẩn mà nay tôi biết là nồng nàn tha thiết. Rầu rầu tôi tự hỏi: Uyển bây giờ ra sao?

Những cánh hoa tàn - Nam Cao

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (12 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà - Haruki Murakami

Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà – Haruki Murakami

Những người đàn ông không có đàn bà không phải là những câu chuyện được viết lẻ tẻ rồi nhét đại thành một tập sách. Thay vào đó, các truyện ngắn được thiết lập theo một mô-típ, một chủ đề riêng, sắp xếp các truyện theo khái niệm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *