Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng – Nguyễn Nhật Ánh

Người quảng đi ăn mì quảng - Nguyễn Nhật Ánh

Thể loại Truyện ngắn – Tản văn – Tạp văn
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh
NXB NXB Trẻ
CTy Phát Hành NXB Trẻ
Số trang 202
Ngày xuất bản 08-2019
Giá bán FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng

Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ luận bàn về mì Quảng, mà nói đủ mọi thứ trên trời dưới bể. Từ món ăn đến thư pháp, từ sân khấu đến điện ảnh, từ chuyện ở nhà đến chuyện cơ quan, từ chuyện siêu thị đến chuyện phố xá, từ chuyện Sài Gòn đến chuyện miền Tây, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luận bàn đủ thứ: từ lớn đến nhỏ, từ đồ giả đến cuộc náo loạn Hollywood, từ quạt Cophaco đến quạt Ba Tiêu nhà văn cũng thích đủ mọi thứ: từ thú đọc quảng cáo đến nghe cải lương bên sông Tiền, từ xem bóng đá đến ngắm hoa đào trong tranh, rồi “chat” Rồi buồn và nuối tiếc những kỷ niệm xưa như Chia tay buổi chiều, Sách của một thời, Buồn gì đâu

Nhà văn trò chuyện với đủ mọi người: từ gã họ Đỗ ở báo Sài Gòn Tiếp Thị đến các bạn đọc nhí của tờ Mực Tím, từ chị trông giữ xe đến những người hàng xóm, bà cụ bán nước, từ cô con gái nhỏ trong nhà đến những em bé chẳng hề lang thang trong những kiếp người. Đọc hết, mới thấy một Nguyễn Nhật Ánh thật ân tình và tỉ mỉ. Hóa ra những cuộc trò chuyện của Nhà văn cứ tưởng là tầm phào thế mà đầy triết lý. Nguyễn Nhật Ánh không bàng quan, không thờ ơ với cuộc sống mà nặng lòng với hết thảy. Sau mỗi cuộc chuyện trò, cho dù đó là cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, bao giờ Nguyễn Nhật Ánh cũng phát hiện ra một điều gì đấy – cái điều mà chính nhà văn cũng thấy bất ngờ, thú vị.

Nhận định

nhà phê bình văn học huỳnh như phương - Người quảng đi ăn mì quảng - Nguyễn Nhật Ánh

Đọc tạp văn Nguyễn Nhật Ánh, thấy anh vẫn phát huy chất humour, dí dỏm sở trường trong văn tự sự của mình. Khi anh bàn đến chuyện thu nhỏ các đồ vật nhân nói về sân khấu nhỏ, khi anh cắt nghĩa hiện tượng bắt chước thần tượng, hay khi anh luận bàn chuyện hàng giả, chuyện tấm lịch – để mượn ngôn ngữ quảng cáo trên truyền hình, người đọc bao giờ cũng muốn đặt cuối các đoạn văn của anh một chữ Konica – mỉm cười. Thơ và văn xuôi Nguyễn Nhật Ánh vốn không quen đụng chạm những vấn đề thời sự – xã hội trực tiếp. Thành ra thể loại tạp văn này hình như đã được chọn để gửi gắm con người xã hội của anh. Nhưng mà ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh bản chất là ôn nhu,
nên giọng văn anh lúc nào cũng từ tốn, thanh thỏa, không bao giờ lên giọng dạy đời, dù là nói những chuyện bức xúc, như nỗi khổ của người chị luống tuổi còn độc thân khi làm thủ tục sang tên nhà hay nỗi khó của một làng quê đi quyên tiền để sửa chữa một đoạn đường lầy lội.

Trong tập sách này, giữa chợ và siêu thị, giữa sách in và e-book, giữa quạt Ba Tiêu và quạt Cophaco, giữa thư pháp chữ Hán và thư pháp chữ Việt, giữa cái phong linh ngày trước và cái phong linh bây giờ, Nguyễn Nhật Ánh không giấu giếm sự thiên vị của mình đối với cái thứ nhất. Cũng dễ hiểu thôi, cái lý trí phân tích ở đây được nâng đỡ bởi lý lẽ của hoài niệm. Nhưng hoài niệm không phải là hoài cổ; còn người dẫn dắt và bình luận sự kiện ở đây vẫn không hề đánh mất dáng dấp hiện đại của mình. Chất hiện đại của ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh bộc lộ rõ qua những bài viết về bóng đá và những bài phê bình phim võ thuật, đặc biệt là bài phân tích chỗ được và chỗ chưa được của bộ phim Ngọa hổ tàng long. Tài năng của Nguyễn Nhật Ánh trong bình luận bóng đá thì đã được khẳng định qua loạt bài ký bút danh Chu Đình Ngạn trên báo Sài Gòn Giải Phóng nghe đâu sẽ được tập hợp và in thành sách nay mai.

Là tạp văn, tập sách này nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, nhưng rồi không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn nhan đề là Người Quảng đi ăn mì Quảng. Bao nhiêu nhà văn đã thao bút qua việc bình phẩm các món ăn dọc đường đi của dân tộc mình từ Bắc vào Nam: Tản Đà,
Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Võ Phiến… Nguyễn Nhật Ánh là người Quảng, lại còn mở quán để quảng bá các đặc sản quê mình, làm sao mà anh không viết về cái món ăn đã đi vào ca dao:

“Thương nhau múc bát chè xanh,

Làm tô mì Quảng cho anh xơi cùng.”

Có điều Nguyễn Nhật Ánh bình phẩm món ăn thì ít mà bình phẩm về tâm tình của người ăn thì nhiều. Ai mà không đồng ý khi anh nói rằng người Quảng ở Sài Gòn đi ăn mì Quảng là để tìm một chút hương vị quê nhà, một chút thôi, chứ không bao giờ là trọn vẹn.

“Người Quảng xa xứ đi ăn mì Quảng không giống như khi đi ăn những thứ khác như lẩu dê hay bò bảy món. Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng. Họ bước vào quán bán mì Quảng bằng bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ. Gặp tô mì Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng đó là nỗi mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”.

Không phải người Quảng Nam, ở Sài Gòn tôi cũng thường ăn mì Quảng ở những quán ăn “chính hiệu” với rau sống chở vào từ Hội An, vậy mà hình như chỉ một lần tôi cảm nhận hết cái hương vị mì Quảng khi, trên đường từ Đà Nẵng về Bình Tú một buổi chiều cuối năm, dừng xe ăn tô mì Quảng nhưn tôm thịt ở thị trấn Nam Phước (là chỗ ở hiện nay của Gia Khanh – L. đó, phải không?). Thì ra ăn một món ăn còn là thụ hưởng cái không khí, cái tâm thế khi mình ngồi ăn.

Bây giờ ngồi viết bài này cho tập sách Nguyễn Nhật Ánh cũng vào một ngày giáp Tết, nhớ tô mì Quảng ngày nào ở Nam Phước, rồi lại nhớ câu thơ của bạn trên một tờ báo xuân (Con dế giang hồ đang nhớ quê!), chao ôi, tôi cũng lẩn thẩn mà bắt chước Nguyễn Nhật Ánh viết tạp văn mất rồi!

Nhà phê bình văn học – Huỳnh Như Phương

Thông tin Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955) là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.

Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.

Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.

Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).

Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.

Năm 2004, Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủ.

Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô.

Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.

Năm 2012, Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019).

II. Review sách Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng

Review sách Người quảng đi ăn mì quảng - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ  FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. TWISTZZ review sách Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng

Tạp văn đọc cuốn thật sự..

Mình thích những mẩu chuyện nhỏ so sánh giữa thực tế và hiện tại để nhận ra cuộc sống ngày xưa dù thiếu thốn và không hiện đại nhưng rất giàu giá trị tinh thần qua việc ông tán chuyện cuốn lịch, chuyện cái quạt, chuyện lớn và bé,.. những thứ đâu và đâu nhưng cuối cùng mình nhận ra dù cuộc sống có thế nào thì đời sống tinh thần không thể nào bị thay thế.

Giọng văn dí dỏm khiến mình bật cười nhiều lần và đọc rất dễ chịu: có những chuyện rất cuốn như chuyện đem sách cũ ra phơi, những cuốn sách cũ đến mức không thể đọc nổi nhưng từng là tài sản quý giá nhờ tích cóp từng đồng một thời trẻ, chuyện người bố nhận thấy sự thay đổi của mình và con gái qua những mùa World Cup khiến mình nhớ đến những mùa World Cup bao giờ bố cũng ngồi giảng giải cho mình nghe từng trận một..

Tự hỏi sau này nếu ăn phở ở một xứ lạ mình có phản ứng như người Quảng đi ăn mì Quảng ở xứ lạ không nhỉ

2. NGUYỄN LINH review sách Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng

Người ta hay tìm một nơi để đọc sách, có những người chọn trong căn phòng yên tĩnh với cây đèn vàng, cũng có những người chỉ muốn đọc với view đẹp mênh mang và ánh sáng tự nhiên rực rỡ, có những người đơn giản đọc khi thấy tâm bình yên. Tôi đọc Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng trong một khung cảnh đặc biệt hơn thế, “hàng ghế” cuối cùng trong chuyến xe Bắc -Nam xóc nảy, giữa khung cảnh chạy vun vun bên ngoài cửa sổ và ánh nắng chói chang của mùa hè.

Người xa xứ khi đọc Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng nhất định sẽ khóc, không cứ gì chỉ chỉ là người Quảng, khóc bởi cái tình cảm quê hương ẩn trong từng con chữ, khóc vì cái tình yêu của Nguyễn Nhật Ánh với chính quê hương của ông. Người không xa xứ nhưng yêu mến Nguyễn Nhật Ánh cũng sẽ bị cuốn theo, bởi trong những tản văn trải nỗi lòng của tác giả, ta vụt thấy những miền quê mà Hạ Đỏ, mà Bông Hồng Xứ Khác, mà Trại Hoa Vàng, về ngôi trường mọi khi … để rồi, sau tất cả , ta nhận ra Nguyễn Nhật Ánh không nói cho ta biết nhiều hơn những gì ta đã biết, nhưng ta có thể biết nhiều hơn cả những gì mà ta từng biết, đó là tư duy của chính tác giả, tư duy của một tác giả, và tư duy về tác phẩm của tác giả…

Còn mình, khi đọc Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng nhiều tâm trạng hơn thế rất nhiều. Lần đầu tiên tôi đi một chuyến đi xa đến thế, gần 2000km phong trần đơn độc, không một ai bên cạnh, người năm bên tôi là một bạn Bình Thuận rất hiền học Thủy Lợi 1, hai đứa nói chuyện rất nhiều nhưng không vơi được nỗi lo. Lần đầu tiên tôi tự quyết định đến một nơi hoàn toàn xa lạ, trong túi quần vỏn vẹn số tiền chỉ sống được 1 tháng, 1 tháng sau liệu tôi sống ra sao? Lần đầu tiên tôi đi mà không có phương hướng, Nokia 1280 trong túi không định vị, cũng không hề có tấm bản đồ về thành phố xa lạ mà tôi định đến… và ở đó trong 4-5 năm tiếp theo của cuộc đời. Ở cái tâm trạng như thế, đọc Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng, đọc đến tận 2 lần, quả thật, cảm giác đến giờ tôi cũng không thể quên được

3. VIET HUYNH review sách Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng

Một tạp văn hay, đáng đọc cho những ai yêu văn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi thì hơi khác Nguyễn Nhật Ánh chút xíu là mì Quảng mẹ tôi nấu một cách khách quan tôi cũng không thấy ngon. Tô mì Quảng chất nhất tôi từng ăn là mì Phú Chiêm ở đường Phạm Như Xương sát bệnh viện Hòa Khánh (gần đại học sư phạm Đà Nẵng). Mấy quán này thì không có tên chỉ có cái bảng là mì Phú Chiêm thôi, do mấy bà cô đi từ Điện Bàn ra Đà Nẵng bán vào buổi sớm. Thường thì mấy quán mì Phú Chiêm này bán tới 8AM là hết hàng nên phải dậy sớm để đi ăn sáng. Ở Hòa Khánh nếu muốn đi ăn quán lớn mà ngon thì nên tới quán Ba Kim đầu đường Văn Cao, tuy không ngon bằng mì Phú Chiêm kể trên nhưng cũng tạm được. Còn mì Quảng ở trong thành phố Đà Nẵng, ở Tam Kỳ hay Sài Gòn nói chung đều không ngon. Đặc biệt quán càng to mì Quảng càng dở.

4. BÙI THẢO review sách Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng

Từ khi dấn thân vào thể loại tản văn với tác phẩm “Người Quảng đi ăn mì Quảng”, Nguyễn Nhật Ánh đã thể hiện cho độc giả thấy được con người xã hội của mình. Với cách nói hóm hỉnh, hài hước, Nguyễn Nhật Ánh đã khiến các câu chuyện viết về những vấn đề bức bối của xã hội trở nên dễ tiếp thu, thấu hiểu mà không vướng sự lên lớp, giảng đạo.

Tác giả đã phân tích 2 mặt tiêu cực và tích cực của sự việc: thế giới đang có xu hướng thu nhỏ hóa mọi vật, việc giới trẻ bắt chước thần tượng của mình về cách ăn mặc nhưng qua đó cũng truyền đạt quan điểm sống, lí tưởng sống của họ; lịch không những chỉ để báo ngày, trang trí mà còn thể hiện ước mơ của nhiều tầng lớp khác nhau; đồ giả xuất hiện tràn lan đến cả con người cũng bị giả mạo; việc cảm thụ nghệ thuật có vai trò rất quan trọng nhưng xã hội lại không nghĩ thế, điển hình qua việc học sinh học văn chỉ để hiểu nội dung chứ không phải để cảm,…

Đôi lúc cũng thấy xuất hiện quan điểm cá nhân của tác giả về sự thay đổi nhưng mình thấy điều ấy cũng không đáng phải buồn. Chỉ với 3 câu chuyện ngắn, Nguyễn Nhật Ánh đã cho ta có 1 cái nhìn tổng quan về thể loại phim võ thuật Trung Quốc. Trong quyển sách này, tác giả cũng đã trải lòng với độc giả về quá trình mà ông chắp bút cho những tác phẩm của mình, đồng thời giải đáp những thắc mắc bấy lâu nay của độc giả về số phận các nhân vật. Nhưng có lẽ đây là 1 thể loại mới đối với ông nên ta vẫn chưa cảm nhận được dấu ấn riêng của tác giả.

5. HIỀN ANH review sách Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng

Mình rất thích cách viết văn của Nguyễn Nhật Ánh. Sao ông có thể diễn đạt suy nghĩ của kình thành văn một cách mượt mà, trôi chảy, nghe một phát là thấm luôn dù chứa rất nhiều nội dung. Thật sự giỏi!

Về tác phẩm này thì mình cũng tương tự, thích cách viết của ông, không ngờ Nguyễn Nhật Ánh viết tạp văn cũng thật hay không kém truyện. Tuy nhiên về cuối sau có một số chủ đề như về bóng đá mình không biết nên cảm thấy hơi chững hơn các bài trc một chút.

Tóm lại. Lại một cuốn sách chất lượng nữa của Nguyễn Nhật Ánh

Tái bút: trước khi đọc quyển này mình không biết Nguyễn Nhật Ánh là người Quảng Nam, cảm giác đất Quảng quả có nhiều con người ấn tượng. Và chắc chắn mình sẽ thưởng thức mì Quảng và cảm nhận được một chút về nó như cuốn sách đã hướng dẫn

III. Trích dẫn sách Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng

Trích dẫn sách Người quảng đi ăn mì quảng - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ  FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn Khi Mãnh Long Quá Giang – Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng

(Tản mạn về những “con rồng” trong phim võ thuật Trung Hoa)

Từ rất lâu rồi, tức là từ thời của “Độc thủ đại hiệp” Vương Vũ, của cặp bài trùng Địch Long – Khương Đại Vệ, của “Tứ đại thiên vương” Trần Tinh, Trần Quang Thái, Sương Điền Bảo Chiêu và La Liệt, các loại phim võ thuật Hồng Kông mang một cái tên chung là “phim kiếm hiệp”. Đó là thời của những hiệp sĩ nhảy tót một cái đã đứng trên mái nhà cao chót vót, đang ngồi trong tửu lâu quơ đũa một cái đã gắp ngay chóc một… con ruồi bay ngang. Thời của kỹ xảo, của phi thân bằng cách đeo dây, của những màn đánh đấm không thực.

Phải đợi đến sự xuất hiện của diễn viên thượng thặng Lý Tiểu Long trên màn bạc vào đầu thập niên 1970, phim võ thuật Hồng Kông mới bắt đầu mang màu sắc chân thực. Có thể khẳng định rằng, với loạt phim Đường Sơn đại huynh, Tinh võ môn, Mãnh long quá giang…, họ Lý đã thổi một luồng gió mới vào phim võ thuật Hồng Kông. Với những pha trình diễn chân thực, đẹp mắt và gần gũi, “phim kiếm hiệp” từ đây có một sức hấp dẫn mới, một khái niệm mới, và một cái tên mới: “phim quyền cước”.

Bên cạnh sự cách tân quan trọng đó, một trong những nét mới trong phim họ Lý là đưa bối cảnh của phim ra bên ngoài lục địa châu Á (phim Mãnh Long quá giang quay tại một giác đấu trường cổ xưa ở La Mã), và đặc biệt thành công là sự xuất hiện lần đầu tiên của những diễn viên phương Tây trong vai phản diện. Ở đây, có sự tham dự quan trọng của yếu tố tâm lý: Khán giả châu Á hả hê khi chứng kiến người hùng da vàng Lý Tiểu Long nện cho đám mắt xanh mũi lõ những trận chí tử. Sự tủi hận của người da vàng bị khinh miệt, bị hiếp đáp, bị xâm lăng trong lịch sử được họ Lý trả thù giùm, dù là trả thù trên phim, dù những diễn viên da trắng kia thực ra là môn sinh của Lý như Bob Baker hay bạn bè như Chuck Norris, Bob Wall…

Từ phim đầu tiên Đường sơn đại huynh ra mắt năm 1971, Lý Tiểu Long nhanh chóng “độc bá quần hùng”, một mình khuynh đảo màn ảnh võ thuật, một mình chinh phục toàn cõi châu Á với những cú “liên hoàn cước” nhanh như chớp và tuyệt kỹ “nhị khúc côn” độc nhất vô nhị. “Độc thủ đại hiệp” tròn mắt chiêm ngưỡng, “Tứ đại thiên vương” xúm xít ngợi khen. “Nữ hiệp” Trịnh Phối Phối thôi bay lên nóc nhà, leo xuống đất ngồi xếp bằng coi Miêu Khả Tú õng ẹo đóng cặp với diễn viên họ Lý. Các nhà phê bình điện ảnh cao hứng xếp loạt phim quyền cước của Lý Tiểu Long trên cả các phim điệp vụ lừng lẫy của James Bond, trên cả các phim Viễn Tây hay nhất của Clint Eastwood, Steve Mc Queen. Các nhà phê bình đã thế, khán giả còn cuồng loạn hơn. Phim Tinh võ môn chiếu ở Philippines ăn khách sáu tháng liên tục, đến mức chính quyền sở tại phải ban lệnh hạn chế nhập cảng phim nước ngoài để nền điện ảnh nội địa khỏi tiêu vong. Các rạp chiếu phim ở Hồng Kông và Singapore nâng giá chợ đen lên gần 20 lần mà khán giả vẫn chen chúc đi xem nghẹt đường đến nỗi nhà chức trách phải đề nghị lui ngày chiếu lại cả tuần lễ để… cảnh sát tính toán, sắp xếp phương thức giao thông mới.

Nhưng cuộc cách mạng của Lý Tiểu Long quá ngắn ngủi. Cú đột tử đầy nghi vấn năm 1973 đã chấm dứt sự nghiệp điện ảnh của họ Lý trong tiếc nuối ngẩn ngơ của khán giả Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và… Hồng Kông, dĩ nhiên.

Lý Tiểu Long đột ngột ra đi, màn ảnh võ thuật Hồng Kông trống vắng một thời gian dài. Đàm Đạo Lương với Triều Châu nộ hán, biểu diễn những cú đá liên hoàn và màn “bích hổ công” lạ mắt, chỉ lóe lên như ngôi sao xẹt rồi mất hút, càng làm người ghiền phim quyền cước thêm nhớ con rồng nhỏ họ Lý.

Phải gần mười năm sau cái chết của Lý Tiểu Long, “ngôi vua” bỏ trống kia mới tìm được người kế vị. Lạ thay, đó cũng là một “con rồng”: Thành Long.

Thành Long là ai? Có đội mồ sống dậy chắc họ Lý cũng không tin được vào mắt mình: Đó là một trong những chàng trai trước đây có tham gia trong phim của mình, đóng những vai phụ nhí nhố trong các băng đảng lôm côm, chuyên đưa mặt đưa lưng cho mình đấm đá mệt xỉu.

Nói gì Lý Tiểu Long đã ngủm, người viết bài này còn sống nhăn, mắt mở thao láo mà vẫn không tài nào nhìn ra Thành Long trong phim họ Lý. Xem lại các trích đoạn đó trong cuốn phim về cuộc đời và sự nghiệp của Thành Long, mặc dù có giọng thuyết minh hét vào trong tai, có mũi tên đỏ chớp nháy trên màn hình chỉ trỏ, cố lắm cũng chỉ thấy đó là một trong hàng chục cái bóng đen thui, nhếch nhác bị Lý Tiểu Long đá văng vào tường lộp bộp như đá một bao gạo.

Vậy mà cái bóng đen lẩn khuất trong cõi nhân sinh đó đã lên ngôi, cá chép đã hóa rồng: Trong tháng 8 này, phim Giờ cao điểm 2 của Thành Long sau hai tuần trình chiếu đã nghênh ngang dẫn đầu doanh thu toàn nước Mỹ.

Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật, 2-9-2001

––––– 

Một số trích dẫn hay trong Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng

– Lớn và nhỏ (trang 11):

Làm mình nhớ cây dù ngắn bằng phân nửa bình thường, màu xanh dương mà hồi lớp 7 mình hay bỏ theo trong cặp phòng khi trời mưa, nhớ cái máy xem đĩa mini hồi năm nhất đại học (mua đến 3 triệu lận á, mà chủ yếu là cho anh Thiện mượn để luyện mấy đĩa phim bộ kiếm hiệp, cho Chi và Phong mượn xem thời sự và bóng đá).

– Tuổi trẻ thường hay bắt chước, thời nào cũng vậy. Điều đó xét ra chẳng có gì đáng trách. Khi chưa đủ từng trải để định hình một bản lĩnh, một phong cách, tuổi trẻ thường tìm cách lấp đầy “chỗ thiếu” của mình bằng cách cố giống với một hình ảnh nào đó, theo họ là chuẩn mực. Cha ông ta ngày xưa, khi trẻ chắc không ít cụ học đòi vẻ đạo mạo của một ông Nghè hay phong thái uy nghi của một viên quan Tổng trấn.
Với thời gian và sự trưởng thành, tuổi trẻ sẽ dần dà tìm ra bản sắc đích thực của mình và bấy giờ sự bắt chước, chẳng còn lý do để tồn tại, sẽ chỉ là những trò chơi lẩm cẩm của quá khứ (trang 23).

– Tóm lại, bằng những phản ứng của mình đối với thế giới chung quanh, dù muốn hay không trêm thực tế các ngôi sao vẫn đang làm một sứ mạng trọng đại là truyền đạt đến công chúng hâm mộ những quan niệm của mình về cuộc sống… Tuổi trẻ bắt chước thần tượng của mình đôi khi chỉ một chiếc áo, nhưng nếu đằng sau tấm áo đó là một trái tim đẹp đẽ và lành mạnh thì sự thu hoạch của tuổi trẻ chắc chắn sẽ không dừng lại bên ngoài những mảnh cãi vô tri (trang 28).

– Đường phố dần dần mất sức hấp dẫn. Sức sống của nó chuyển vào bên trong những ngôi nhà rực rỡ và phù hoa. Tiếng thở của nó không còn vọng lên từ mặt đường mà phát ra đằng sau các ô cửa.

Thành phố như một cô gái, giàu lên nhưng đã kém duyên (trang 41).

– Nhiều người dễ dàng chấp nhận quan niệm trái đất là mái nhà chung của nhân loại nhưng lại tỏ ra xa lạ với ý nghĩ thành phố là mái nhà riêng của chính mình (trang 45).

– Đoạt quyền tạo hóa để làm ra những thứ “của giả” nhằm phục vụ con người (răng giả, chân giả,…) so với việc “đoạt quyền sản xuất” để tạo ra những mặt hàng giả mạo (thuốc giả, công an giả,…) hòng lừa bịp khách tiêu dùng quả là khác xa nhau (trang 53).

khi ta ở là nơi mì ở - Người quảng đi ăn mì quảng - Nguyễn Nhật Ánh

– Ai cả gan mở quán bán mì Quảng, đành phải mỉm cười chấp nhận công thức: Một tô mì Quảng đúng nghĩa gồm: lá mì, nhưn, rau sống, đậu phộng, bánh tráng… và món gia vị: “Đúng không?”. Bán mì Quảng mà không bị khách trố mắt nghi ngờ “Đúng không?” thì dứt khoát là… không đúng! (trang 66).

– Thế là phơi xong, tôi nâng niu xếp từng cuốn sách lại, trân trọng xếp vào kệ sát tường. Sách cũ, giấy đen, không còn đọc được, nhưng nó lại có giá trị của những trang nhật ký cuộc đời. Nó là kỷ niệm, là nhắc nhớ, là những cuốn sách không phải để đọc mà để nghĩ ngợi, để suy tư, để ngẩn ngơ cùng năm tháng đời người.

Bán chúng làm chi. Vì giữ chúng thì chật nhà nhưng không có chúng, cuộc đời ta bỗng hóa ra buồn tênh, trống rỗng… (trang 102).

– Hiếu khách đến mức đó, tôi nghĩ chắc chỉ có ở miền Tây (trang 117).

– Cái nặng của đồ vật vô tri có thể bỏ lại nhưng trong mớ quà tặng kia có cái nặng của tình cảm bà con miệt vườn (trang 118).

– Chữ, là phương tiện để giao tiếp, diễn đạt, nên buộc phải có nghĩa. Chúng ta vẫn nghe nói chữ nghĩa đó thôi (trang 200).

Người quảng đi ăn mì quảng - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ  FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Thành Phố Tình Yêu Và Nỗi Nhớ - Nguyễn Nhật Ánh

Thành Phố Tình Yêu Và Nỗi Nhớ – Nguyễn Nhật Ánh

Bài thơ Thành Phố Tình Yêu Và Nỗi Nhớ được viết năm 1979 lúc xảy …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *