Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ – Higashino Keigo

Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ - Higashino Keigo

Thể Loại Văn học – Tiểu thuyết
Tác Giả Higashino Keigo
NXB NXB Văn Học
CTy Phát Hành Mintbooks
Số Trang 412
Ngày Xuất Bản 10 – 2020
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ là tác phẩm thứ hai của nhà văn Higashino Keigo được xuất bản trong năm 2015, cũng là tác phẩm thứ hai kỷ niệm 30 năm cầm bút của ông. Trong tác phẩm này, Keigo đã lấn sâu ngòi bút của mình vào một đề tài tâm lý xã hội và y học khó nhằn, để lại trong lòng người đọc rất nhiều trăn trở.

Tác phẩm cũng nằm trong top 10 sách văn học bán chạy năm 2015 và 2016 theo thống kê từ NIPPAN đồng thời được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên gây sốt các phòng vé xứ sở hoa anh đào.

Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ xoay quanh một cặp vợ chồng dự định sẽ ly hôn sau khi con gái vào cấp một. Nhưng tin dữ ập đến, một vụ tai nạn đã xảy ra tại bể bơi với con gái họ. Hai người vội vàng lao đến bệnh viện, để đối diện với một sự thực tàn khốc.

“Vậy kẻ hại chết con gái tôi sẽ là tôi sao?”

Trái tim cô bé vẫn còn đang đập và những ràng buộc riêng trên mặt luật pháp đã không cho vị bác sĩ nào dám khẳng định cô bé đã tử vong. Họ buộc phải lựa chọn tiếp tục chăm sóc con gái đã rơi vào trạng thái thực vật với hi vọng mong manh sẽ có ngày con mình tỉnh lại hay buông tay, chấp nhận hiến tạng đứa con gái yêu duy nhất?

Từng ngày trôi qua trong tuyệt vọng, họ phải đưa ra một quyết định chẳng ai có thể ngờ…

Giới thiệu tác giả Higashino Keigo

Tác giả Higashino Keigo

Higashino Keigo (東野 圭吾 Đông Dã Khuê Ngô) (4/2/1958) là một tác giả người Nhật Bản được biết tới rộng rãi qua các tiểu thuyết trinh thám của ông. Ông từng là Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản từ năm 2009 tới năm 2013. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo lần thứ 31 vào năm 1985 cho tiểu thuyết Hōkago.

Higashino Keigo sinh ra ở Osaka. Sau khi tốt nghiệp Đại học Osaka với bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật điện, ông bắt đầu sáng tác tiểu thuyết trong khi vẫn tiếp tục làm công việc kỹ sư lại Nippon Denso Co. (hiện là DENSO) từ năm 1981. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo, giải thưởng hàng năm dành cho các tác phẩm trinh thám chưa được xuất bản vào năm 1985 với tiểu thuyết Hōkago ở tuổi 27. Ngay sau đó, ông bỏ việc và bắt đầu chuyên tâm vào nghiệp sáng tác tại Tokyo.

Vào năm 1999, ông đã thắng Giải thưởng Văn học Trinh thám Nhật Bản cho tiểu thuyết Bí mật của Naoko, bản dịch tiếng Việt do Nhã Nam thực hiện. Năm 2006, ông giành giải Naoki lần thứ 134 với tác phẩm Phía sau nghi can X (Yōgisha X no Kenshin), giải thưởng mà ông đã từng năm lần được đề cử. Tiểu thuyết này đồng thời cũng chiến thắng tại giải Honkaku lần thứ 6 và được xếp đầu tiên trong danh sách Kono Mystery ga Sugoi! 2006 và 2006 Honkaku Mystery Best 10, danh sách các tiểu thuyết trinh thám được xuất bản tại Nhật Bản hàng năm.

Bản dịch tiếng Anh của Phía sau nghi can X đã được đề cử giải Edgar năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết xuất sắc nhất và Barry Award năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất.

Không chỉ viết tiểu thuyết trinh thám mà Higashino Keigo còn viết cả các tiểu luận văn học cũng như tác phẩm dành cho thiếu nhi. Mỗi tác phẩm của ông đều có phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung ông thường hiếm khi đưa quá nhiều nhân vật vào một tác phẩm mà thường đào sâu vào tâm lý nhân vật.

Các tác phẩm khác của Higashino Keigo đã được Mintbooks phát hành:

  • Trứng Chim Cúc Cu Này Thuộc Về Ai? (2018)
  • Cáp Treo Tình Yêu (2019)

II. Review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ của tác giả Higashino Keigo. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. DAISY review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Mình từng đọc khá nhiều sách của Higashino Keigo sensei nhưng ít có cuốn nào ấn tượng bằng cuốn “Ngôi nhà của người cá say ngủ”. Khá giống với mức độ li kì của truyện: “Ma nữ của Palace“, nhưng cuốn “Ngôi nhà của người cá say ngủ” này nhẹ nhàng hơn, trầm buồn và sâu lắng hơn. Câu chuyện hướng đến những vấn đề của xã hội về tình cảm gia đình, về các phương pháp chữa bệnh, đặc biệt cách nhà văn đi sâu vào miêu tả tâm lý người mẹ khi con trong trạng thái sống thực vật quả làm người đọc phải suy nghĩ. Mình đọc xong nhưng còn khá mơ hồ về cuốn sách này, có lẽ đây là một tác phẩm cần nghiền ngẫm suy nghĩ hơn. Có một điều mà mình tin mãnh liệt vào cuốn sách này chính là tình yêu thương, tình cảm gia đình sẽ mãi là liều thuốc trường sinh cho bất cứ ai. Về hình thức bản in lần này đẹp hơn trước nhiều, rất hài lòng.

2. NGUYỄN TÂM review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Cứ mỗi lần đọc tác phẩm của Keigo là mình lại cảm thấy tự ti, kiểu chẳng hiểu não ổng cấu tạo như thế nào mà lại có thể viết ra nhiều câu chuyện ở nhiều thể loại tới vậy. Ngôi nhà của người cá say ngủ cũng không phải là ngoại lệ, truyện không thuộc dòng sách trinh thám mà thiên về tâm lý xã hội nhiều hơn. Mình đánh giá cao truyện này ở cách Keigo khai thác vấn đề và miêu tả tâm lý rất tốt, nhưng lại cảm thấy hơi ngán ngẩm với cái “khung” kể của Keigo cứ dẫn dắt từ một mớ chi tiết không liên quan tụ lại với nhau ở một điểm sau cuối.

Ngôi nhà của người cá say ngủ bắt đầu với một cuộc gặp bất ngờ giữa cậu bé làm rơi đồ vào trong sân nhà nọ, cùng một cô bé ngồi trên xe lăn đang chìm sâu trong cơn ngủ mê. Từ đó, bí mật của gia đình và giấc mộng mị kéo dài của cô bé dần hé lộ thông qua những luồng ý kiến tranh cãi về chế độ và quy định của ngành y tế tại Nhật Bản về vấn đề “chết não ở tuổi vị thành niên”. Một câu hỏi được Keigo đặt ra sẽ khiến bất cứ ai theo dõi câu chuyện này đều cảm thấy hoang mang và bối rối: Trong trường hợp trẻ em bị chết não (tức là não không còn hoạt động nữa nhưng các cơ quan còn lại vẫn hoạt động bình thường, kiểu trạng thái người thực vật) thì luật pháp yêu cầu bố mẹ đưa ra quyết định có chấp nhận báo tử hay không và có hiến xác hay không. Trong trường hợp phụ huynh chấp nhận thì bệnh viện sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng não – là cách duy nhất có thể biết được não của bệnh nhân có thực sự chết hẳn hay chưa (nhưng ngay cả khi phát hiện chưa chết não thì bố mẹ của bệnh nhân cũng đã ký giấy đồng ý xác nhận người đó đã chết rồi), nếu không đồng ý thì bệnh nhân sẽ vẫn nằm trong tình trạng người thực vật như thế cho tới khi tỉnh lại. Trong khi đó, nhiều bệnh nhi khác mắc các chứng nan y đang mòn mỏi chờ người hiến tạng thích hợp và điều này đang gây ra tranh cãi gay gắt trong xã hội Nhật Bản.

Chắc hẳn bất cứ ai rơi vào tình trạng của nhân vật chính – một người bố vừa mất con gái do tai nạn đuối nước và được chẩn đoán chết não, cũng đều cảm thấy đau đớn và bối rối trước lời đề nghị đó của bác sĩ. Anh nửa muốn chấp nhận để con gái mình không phải tồn tại vật vờ như vậy và nửa còn lại thì níu kéo hy vọng rằng một ngày nào đó cô bé sẽ tỉnh lại. Những tình tiết được nêu ra đánh bật lên quan điểm đúng – sai, xấu – tốt về vấn đề hiến tạng khi chết não, về quyền con người, sự sống cùng cái chết cũng như tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái. Cái hay của câu chuyện nằm ở vấn đề được đặt ra – một vấn đề gây dằn vặt và đầy tranh cãi đến nỗi chính một người ngoài cuộc như độc giả cũng không dám đưa ra bất cứ ý kiến gì.

Thế nhưng dù chỉ là một câu chuyện thì nó vẫn là vấn đề có thể xảy ra trong thực tế, lúc đó chúng ta sẽ chọn phương án nào? Chấp nhận và từ bỏ hay cứng rắn để níu kéo? Điều đó liệu có thực sự tốt cho bệnh nhân chết não hay không? Liệu họ có đồng ý với quyết định của thân nhân mình hay không? Có hàng trăm ngàn câu hỏi được đưa ra, và câu trả lời thì luôn nằm trong một màn sương mờ nhạt của sự suy ngẫm.

Cuối cùng, Ngôi nhà của người cá say ngủ có một kết thúc tạm gọi là trọn vẹn. Nhưng những cảm xúc của nó vẫn ở đó, lắng đọng thật sâu trong tâm trí của người đọc, rất khó phai mờ.

Đánh giá: 9/10

3. BINH BOOG review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Mấy ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nói nhiều đến việc một bé gái đã hiến giác mạc của mình. Em đã ra đi nhưng giác mạc của em được cấy ghép và đem lại ánh sáng cho hai người còn sống. Em ra đi nhưng đã đem lại ánh sáng cho hai người nữa, đem lại cuộc sống thứ hai cho họ khi họ có thể nhìn thấy ánh sáng sau bao ngày sống trong tăm tối.

Nghe thông tin về bé tôi chợt nhớ tới Ngôi nhà của người cá say ngủ của nhà văn Nhật Bản Higashino Keigo.

Bỏ qua vấn đề tác phẩm được bạn đọc đón nhận như thế nào nhưng bản thân tôi lại thích vấn đề mà tác giả đã đề cập đến trong tác phẩm. Đó là vẫn đề không còn mới nhưng cũng không cũ, vẫn còn được nhắc tới rất nhiều: hiến tạng.

Như quan niệm của người Việt và một số nước Á đông ( trong tác phẩm là quan niệm của cha mẹ và ông bà của cô bé) người chết phải còn nguyên vẹn, toàn thây không thể thiếu đi bất cứ bộ phận nào trong cơ thể để khi về với tổ tiên hay lên cõi niết bàn được hoàn chỉnh như người còn sống. Có lẽ đó là quan niệm là vấn đề về đạo đức.

Nhưng hãy thử đặt câu hỏi. Khi không may gặp phải cái chết không mong muốn như cô bé trong câu chuyện là chết đuối. Các bộ phận gần như còn nguyên vẹn chỉ bị chết não. Giả sử đem chôn hay hoả thiêu thì những nội tạng chưa chết như giác mạc hay thậm chí thận, phổi, gan cũng sẽ bị tiêu huỷ cùng chúng sẽ trở thành vô nghĩa. Nhưng nếu những nội tạng đó được đem hiến thì sẽ có thể cứu được hai, ba thậm chí còn nhiều hơn nữa những người còn đang sống nhưng không may mắc phải những căn bệnh cần phải cấy ghép nội tạng. Đâu đó những bộ phận đó vẫn đang sống khoẻ mạnh ở một nơi nào đó, trong một cơ thể nào đó, đem lại cuộc sống cho một người nào đó.

Sau bao dằn vặt, đấu tranh, suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề, gia đình cô bé trong tác phẩm đã tìm ra giải pháp tốt nhất cho cô bé và cho chính bản thân họ là sự giác ngộ. Có lẽ đó cũng là mong muốn của tác giả gửi tới người đọc khi viết tác phẩm này.

4. THU HỒNG HOÀNG review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

NGÔI NHÀ CỦA NGƯỜI CÁ SAY NGỦ – Liệu tình yêu lớn lao của người mẹ có thể chiến thắng được Thần Chết?
Tác giả: Higashino Keigo
Thể loại: Tâm lý xã hội (Văn học Nhật Bản)

Thu Hồng Hoàng review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Biết đến tác giả Higashino Keigo qua nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bạch dạ hành, Phía sau nghi can X hay Trứng chim cúc cu này thuộc về ai?, nhưng đến khi có thông tin tái bản “Ngôi nhà của người cá say ngủ” vào tháng 10 năm 2020 mình mới tìm đến và đọc.

Xét về đánh giá cá nhân, mình nhận thấy rằng nhà văn Keigo đã rất khéo léo lồng ghép trong tác phẩm một vấn đề khá nhức nhối không chỉ tồn tại trong xã hội Nhật Bản mà còn ở nhiều nơi trên thế giới về vấn đề hiến tạng hay “chết não ở tuổi vị thành niên”, do đó, những chương đầu bạn đọc sẽ cảm giác hơi khô khan một chút, song đến các chương tiếp theo, hiểu rõ những học thuật về ngành y và pháp luật, tác giả sẽ đưa độc giả trở lại với câu chuyện kì bí về gia đình của cô bé Mizuho.

  • Điểm mình thích đầu tiên của sách là phần thiết kế bìa: Bìa sách lúc nào cũng được Mintbooks đầu tư, trau chuốt, nhận sách về trên tay cứ ngỡ đây là một câu chuyện cổ tích nào đó. Cuốn này là phiên bản mới, tái bản phiên bản năm 2017, sau hơn 3 năm phát hành trên thị trường.
  • Thứ hai, mặc dù sách thuộc thể loại trinh thám nhưng mình vẫn tìm thấy xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm một thứ tình cảm vĩ đại: Tình cảm gia đình, về tấm lòng của những người làm cha làm mẹ dành cho con cái. Câu trích ở ngay phần bìa cũng rất đáng suy ngẫm: “Gia đình là không ngừng yêu thương và không bao giờ nói bỏ cuộc”.
  • Thứ ba, qua tác phẩm “Ngôi nhà của người cá say ngủ”, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về chế độ và quy định của ngành y tế tại Nhật Bản về vấn đề “chết não ở tuổi vị thành niên”. Higashino Keigo đã đặt ra một câu hỏi khiến bất cứ ai theo dõi câu chuyện này đều cảm thấy hoang mang: Trường hợp trẻ em bị chết não (kiểu trạng thái người thực vật) thì luật pháp yêu cầu bố mẹ đưa ra quyết định có chấp nhận báo tử và có hiến xác hay không? Nếu bố mẹ chấp nhận thì bệnh viện sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng não – cách duy nhất có thể biết được não của bệnh nhân có thực sự chết hẳn hay chưa, nếu không đồng ý thì bệnh nhân sẽ vẫn cứ nằm trong tình trạng người thực vật như thế cho tới khi tỉnh lại. Tuy nhiên, trong khi đó, ở các bệnh viện khác còn rất nhiều bệnh nhi mắc các chứng bệnh nan y đang mòn mỏi từng ngày chờ người hiến tạng thích hợp. Nếu đặt mình vào vị trí người làm cha làm mẹ ấy, liệu bạn có dám dứt khoát đưa ra quyết định không?

————

Về nội dung, mình xin phép spoil một chút đoạn mở đầu: Cô bé Mizuho – một cô bé mười tuổi đáng yêu, hoạt bát gặp phải tai nạn đuối nước và dẫn đến chết não nhưng điều kỳ lạ là, tim cô bé vẫn còn đập, song bác sĩ lại nói:“Đó chưa chắc là dấu hiệu của sự sống!”.

Trong câu chuyện này, tác giả Higashino Keigo đã nói lên tình yêu thương bao la của người làm mẹ. Độc giả đôi lúc sẽ cảm thấy người mẹ này vừa đáng thương vừa đáng giận. Mặc cho người thân xung quanh cảm thấy như thế nào, người mẹ vẫn một mực kiên quyết nhờ đến kỹ thuật khoa học tiên tiến nhất để cô bé tự thở mà không cần máy hô hấp: “Tôi chỉ muốn con gái của mình được thở thôi!” – Một câu nói nghe đau đến nhói lòng, bà không cần ước mơ cao sang gì khác, ước mơ ấy đơn giản chỉ là muốn con gái được thở, để tin rằng cô bé vẫn còn tồn tại trên thế giới này.

Nhưng, liệu cố gắng níu giữ “sự tồn tại” của một người đã chết có ý nghĩa gì? Hay đây chỉ là sự ích kỷ của bản thân họ khi từ chối hiến tạng con gái mình?

*********

Cuối cùng, “Ngôi nhà của người cá say ngủ” có một kết thúc mở, theo mình là khá trọn vẹn. Mình là người ít thích kết truyện HE nên những cuốn có kết mở thật sự rất ấn tượng. Những cảm xúc của câu chuyện sau khi khép trang sách cuối lại vẫn ở đó, lắng đọng thật sâu trong tâm trí của người đọc, khó phai mờ, để người đọc phải trăn trở, day dứt về nỗi niềm nào đó, hoặc cảm giác được một phần mình cũng từng trải qua như các nhân vật trong câu chuyện.

——
Thank you for reading!

5. HAIIRO review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Vẫn là một tác phẩm rất có sự đầu tư tìm tòi và cũng rất có chiều sâu, cho dù có lẽ không làm thỏa lòng các fan trinh thám của Keigo. Tôi thì đã chấp nhận sự thật rằng nhà văn của chúng ta không chỉ viết trinh thám, lại thêm việc đã bỏ gánh nặng kì vọng xuống rồi, nên vẫn rất thấy Người cá say ngủ hay lắm.

Thêm lần nữa Keigo chọc thẳng vào một vấn đề nhạy cảm còn nhiều tranh cãi: chết não và chết tim, đâu mới là thời điểm con người thực sự kết thúc sự sống? Có thể nhiều người không quá quan tâm đến điều này sẽ chỉ đơn thuần suy nghĩ một lúc rồi chọn luôn A hoặc B giống như chọn một câu trả lời trong trắc nghiệm vui nào đó. Thực tế là với sự hình thành và phát triển các quy ước và quan niệm xã hội, giữa A và B đã tồn tại sự khúc mắc và có nhiều móc nối hơn chứ không chỉ đơn giản như những chữ cái độc lập trong bảng chữ cái kia. Điều mà Keigo đã làm chính là chọn một cách gần gũi dễ hiểu, từ từ dẫn dắt người đọc đào sâu suy nghĩ của bản thân; nhưng không hề ép uổng, bác sẽ vẫn để ta tự chọn đáp án cho mình.

Tai nạn của Mizuho đã gây nên những vết thương có thật cho người nhà em, cho ông bà, họ hàng, bố, em trai và đặc biệt nhất là Kaoruko – mẹ em. Vết thương thì đơn giản, thấy được thì kế hoạch chữa trị sẽ nhẹ nhàng hơn. Tiếc rằng sau khi vết thương khép miệng, sự TỒN TẠI về sau của em còn gây ra những chấn thương tâm lí, những bóng đen sâu hoắm trong tâm hồn họ mà tất nhiên nạn nhân số một vẫn là người mẹ Kaoruko khốn khổ này. Trong hành trình duy trì sự tồn tại cho con gái, Kaoruko phải đối mặt với vô vàn câu hỏi mà không có câu nào có thể dễ dàng đặt bút khoanh A hoặc B: Mizuho đã chết? Vậy cơ thể vẫn sống của con thì tính sao? Nhưng con không còn có thể có suy nghĩ được nữa, vậy phải chăng nên để con ra đi? Nếu để con ra đi thì người mẹ này có còn xứng với chữ mẹ? Nhưng nếu tiếp tục giữ con lại thế giới này liệu có phải là đang bắt con cùng bao đứa trẻ đang chờ được cứu vớt khác phải chịu đựng thêm?… Chỉ đọc thôi mà tôi cũng thấy quay cuồng cả đầu óc, huống chi là Kaoruko và gia đình của Mizuho – những người phải đối mặt trực tiếp và trăn trở suốt bấy nhiêu thời gian chăm sóc cho cơ thể đã mất chức năng của não bộ của em.

Thú thật, phần lớn thời gian đọc Ngôi nhà của người cá say ngủ tôi không hề thấy yêu thích Kaoruko. Tôi đồng ý với ông nội của Mizuho khi cho rằng cô chỉ đang cố chấp với niềm tin thiếu căn cứ của mình, chỉ đang lợi dụng cơ thể của Mizuho để thỏa mãn những cảm xúc và ước mong của bản thân. Có những khoảnh khắc thật sự là kì dị kinh khủng khiến hình ảnh cô ta trong mắt tôi càng được tô vẽ bằng sự ích kỉ. Có điều… Kaoruko cũng là người mẹ độc đáo. Sự ích kỉ của cô là xuất phát từ tình yêu bao la của một người mẹ, từ lòng mong mỏi hai chữ phép màu. Lòng dũng cảm của cô có thể khiến bất cứ ai cúi đầu, trong đó có tôi. Bởi vì ai ở đây có thể can đảm rút đi hơi thở của cái cơ thể còn đang hồng hào khỏe mạnh của con cái chúng ta? Nhưng rồi ai lại có thể duy trì nó trong tuyệt vọng khi biết rằng cái hình hài bé nhỏ kia sẽ không bao giờ có thể ngồi dậy cười nói hay cử động được nữa?

Và đây cũng là cái hay của nhân vật Kaoruko này – phiền phức nhưng thông cảm được thậm chí còn có phần đáng khâm phục; có cái tình của phần người nhưng có cả những toan tính vị kỷ của phần con, thực tế chứ không hề hình tượng hóa xa vời; có đáng ghét nhưng lại khiến người đọc yêu mến kẻ nhào nặn nên cô.

Ngôi nhà của người cá say ngủ đã có một cái kết tốt đẹp nhất có thể, trong sự cân bằng với thực tế. Nó giống như khi kết thúc một hành trình dài đầy giông bão, người ta được trở về với bình yên. Và cái cách kết thúc dẫu khá đơn giản và hiền vẫn khiến tôi nhận ra, truyện của Higashino Keigo luôn thật thần kỳ theo một cách nào đó.

6. SƠN LƯƠNG review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Chết não thì xem như đã chết, dẫu trái tim còn đập. Hay chết tim mới gọi là chết? Một lần nữa Keigo Higashino lại đưa người đọc vào tình huống mà họ không bao giờ mong có ngày mình sẽ phải trải qua: đưa ra quyết định cho câu hỏi trên. Nếu một người đã chết não, ta có quyết định ngưng điều trị, và xem người đó đã tử vong, hay vẫn duy trì sự sống cho người đó, chỉ để còn có thể trông thấy họ mỗi ngày, dù ngay cả hơi thở cũng phải nhờ máy hỗ trợ và họ sẽ không bao giờ có thể tỉnh dậy hay lấy lại nhận thức? Làm vậy là tốt cho người đang trong tình trạng đó, hay chỉ là thỏa mãn cái tôi của người còn sống?

Một câu hỏi khác, cha mẹ có nên đồng ý để con mình hiến tạng hay không? Đứa con máu thịt của mình qua đời đã là bi kịch, nhưng nếu giác mạc, tim, thận của em có thể cứu mạng người khác hoặc mang đến cho họ một cuộc sống mới, điều đó chẳng phải rất tốt đẹp hay sao? Nhưng nếu ta không hiến thì có đáng bị chỉ trích không, vì có những người phải chết vì không tìm được tạng để ghép?

Người ngoài cuộc thì dễ, có thể chia thành hai phe tranh luận kịch liệt, mỗi người một quan điểm và có luận cứ để bảo vệ suy nghĩ của mình. Nhưng nếu đó là con cái của chính mình thì sao? Ta sẽ phải quyết định thế nào? Ngôi nhà của người cá say ngủ là hành trình day dứt để trả lời câu hỏi đó của vợ chồng đã li thân Kazumasa và Kaoruko. Họ sẽ bắt đầu bằng lựa chọn nào, và sẽ giữ vững nó cho đến cuối cùng?

Mình đọc quyển này sau Thánh giá rỗng nên thấy có nhiều tương đồng. Cũng là nói chuyện một vấn đề xã hội, dưới nhiều góc độ, từ cá nhân mỗi người đến quan điểm xã hội và pháp lý. Xác định có nên ‘khai tử’ một người chỉ vì họ chết não mà tim còn đập cũng giống như có nên bỏ án tử hình hay không vậy. Đây là những vấn đề gây tranh cãi không phải vì nó vô lý, mà trái lại cả hai chiều quan điểm, cái nào cũng có cái lý riêng của nó cả. Thành ra có lẽ mãi mãi không tìm được câu trả lời làm vừa lòng tất cả.

Vì mình chủ trương nếu biết trước nội dung dù chỉ một tí cũng làm giảm cảm nhận khi đọc sách, nên review này mình nói chuyện loanh quanh, không nhắc gì đến nội dung. Đọc những quyển này của Keigo Higashino, nếu lược đi các phần đối thoại và backstory, cảm giác giống như một bài điều tra công phu, được viết khéo léo, đặt vấn đề và đưa độc giả đi đến tận cùng. Toàn bộ các quan điểm xung quanh chuyện hiến tạng hay “chết não có phải là chết không” sẽ được nhiều nhân vật khác nhau lên tiếng, và người đọc, có trong tay mọi luận điểm, sẽ là người tự đưa ra lập trường của mình. Có khi chính họ cũng sẽ hoang mang, vì thấy bên nào cũng có lý.

Quyển này mình thấy hay bị nhận xét là dài dòng nhưng mình thấy không có vấn đề gì. Nó gợi cho mình rất nhiều suy nghĩ vì gần đây cũng có nhiều câu chuyện xúc động về các em nhỏ hiến tạng khi qua đời. Mình nhớ câu chuyện bé Hải An hiến giác mạc và hình như bác Đặng Hoàng Giang cũng đưa các con đi đăng ký hiến tạng và chia sẻ lại câu chuyện đó như một lời kêu gọi. Mình đọc những bài báo về hiến tạng, một người chết đi nhưng cứu được nhiều người, đều xúc động, nhưng đọc Người cá say ngủ, mình mới hiểu rằng, đằng sau những quyết định cuối cùng đó là những đau đớn và trăn trở như thế nào. Mình cũng thích cách tác giả tìm hiểu kỹ lưỡng và trình bày các vấn đề về pháp lý, công nghệ rất rõ ràng.

Bộ sách Keigo của mình không cần phải xếp lịch đọc vì nó sẽ là cứu tinh mỗi lần mình chán đọc hay gặp một loạt quyển thất vọng, vì mình tin rằng sách của Keigo sẽ luôn cuốn hút, theo nghĩa cứ bắt mình đọc tiếp cho hết, chưa bàn đến hay dở. Vậy là mình đã đọc được ½ bộ sách của tác giả này, theo thứ tự mình đã mua. Nửa còn lại tính từ Ảo dạ cho đến 1 loạt (bị mọi người có vẻ chê) sau đó là Trước khi nhắm mắt, Trứng cúc cu, Ma nữ, mình cũng sẽ đọc theo thứ tự mua kể trên 🙂

7. CUDDLE review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Cuddle review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Đây là cuốn sách thứ 5 của Keigo mà tớ đã đọc, dù không theo thứ tự lắm.

Lần nào đọc sách của Keigo, tớ cũng ưng vô cùng hai thứ.

Một là cách kể chuyện, làm tớ cứ bị cuốn vào dù bảo tớ chỉ ra vì sao thì tớ không nói được =)))

Hai là những vấn đề được đặt ra trong truyện, sao mà tác giả lại nghĩ ra những câu chuyện khiến người đọc băn khoăn suy nghĩ thế không biết? Cứ nghĩ mãi không biết thế nào mới là đúng, là sai?

😴

Cuốn ‘Ngôi nhà của người cá say ngủ’ lần này là một cuốn tâm lý, cũng lại đưa ra một vấn đề mà có rất nhiều cách nghĩ. Tác giả đề cập tới mối liên hệ giữa sự sống của con người cùng sự hoạt động của não và tim.

Ngay từ đầu cuốn sách, tác giả đã sớm đưa ra vấn đề chính, và suốt chiều dài câu chuyện, chính là quãng đường những người trong cuộc đi để giải quyết vấn đề ấy.

Những câu hỏi mà nhân vật đặt ra, làm tớ băn khoăn vô cùng.

Sự sống vô cùng quý báu, có ai không đau đớn khi phải nhìn người thân yêu của mình chết đi.

Nhưng nếu sự sống đã không được coi là còn tồn tại trong cơ thể ấy, thì có nên quyết định buông tay, đem đến những cơ hội sống cho những người bệnh khác?

📖

Tổng thể thì đây là một cuốn khá, ngoài ra thì trong cuốn này có vài đoạn hơi creepy một chút, kiểu nghĩ đến cứ thấy ghê ghê sao ấy 😖

➖➖

Tình cảm vợ chồng giữa Kazumasa và Kaoruko đã rạn nứt, họ đã quyết định đi con đường riêng và chuẩn bị ly hôn sau khi cô con gái đầu lòng vào lớp 1.

Thế nhưng, khi con gái họ, Mizuho, bị ngạt nước và rơi vào trạng thái chết não, họ lại bị buộc vào nhau, bởi tình thương và trách nhiệm, bởi điểm tựa họ cần khi phải đối mặt với thực tại nghiệt ngã…

「…

“Khi nói chuyện với bố, anh cũng có suy nghĩ giống em. Nếu có cách nào biết được cảm giác của Mizuho thì hay rồi. Anh thì anh nghĩ thế nhưng không rõ nếu con bé lớn lên, rồi suy nghĩ về vấn đề này, nó sẽ quyết định ra sao đây?”

Kaoruko nhìn đăm đăm con gấu bông. “Mizuho lớn lên..ư?”

“Em nghĩ sao?”

Anh có hỏi em cũng biết đâu, Kazumasa dự đoán cô sẽ đáp lại như vậy. Nhưng Kaoruko chỉ gục đầu im lặng.

“Thực ra, lúc trước ở công viên,” cô nói, “mẹ con em đã tìm cỏ ba lá. Một nhánh cỏ có bốn lá. Là con bé tìm thấy đấy. ‘Mẹ ơi, chỉ có bông này có bốn lá thôi.’ Lúc đó, em đã nói, ‘Chà, giỏi quá, ai tìm được thứ này sẽ hạnh phúc lắm đấy, ta mang nó về nhé.’ Lúc đó, anh biết con bé nói gì không?” Cô vừa hỏi vừa xoay sang nhìn Kazumasa.

“Không biết”, anh lắc đầu.

“ ‘Mizuho đã hạnh phúc rồi nên không cần đâu. Ta để lại nhánh cỏ này cho ai khác đi’, thế thôi. Con bé cầu mong hạnh phúc sẽ đến với một ai đó nó chưa từng gặp mặt.”

Như thể có thứ gì nghẹn ứ trong lồng ngực. Đột nhiên, nước mắt trào ra, ướt nhoè tầm mắt Kazumasa.

“Con bé thật ngoan,” giọng anh như tắc lại.

“Đúng, con bé thật ngoan.”

“Là nhờ có em,” Kazumasa lấy ngón tay gạt đi nước mắt. “Cảm ơn em.”」

➖➖➖

⭐️⭐️⭐️⭐️ 4/5

8. ĐIỀN YÊN review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Một lần nữa, Keigo dùng một đề tài gây tranh cãi làm chủ đề tác phẩm – Quyền được chết hay Cái chết êm ái.

Trước khi review, tôi xin bày tỏ quan điểm cá nhân rằng tôi theo trường phái đồng ý chấm dứt sự sống của người không còn khả năng hồi phục, ngay cả khi não chưa chết hẳn.

Năm ngoái, bà tôi xuất huyết não, rơi vào hôn mê dù đã làm phẫu thuật đủ kiểu. Bất kỳ ai trong gia đình tôi cũng hiểu rất rõ rằng bà sẽ không bao giờ hồi phục. Dù trong trường hợp khả quan nhất là bà tỉnh lại cũng sẽ chỉ có thể toàn thân bất toại, mất ý thức cho đến khi chết hẳn. Thế nhưng, không ai trong nhà dám đưa quyết định để bà ra đi. Tôi nói với bố tôi rằng bố bảo bác sĩ rút ống thở đi, nếu có ai nói gì bố, bố cứ bảo đến gặp con. Nói thì nói vậy, dù tôi đã trưởng thành nhưng vai vế trong nhà vẫn chỉ là đứa tép riu, không có quyền lên tiếng. Rốt cuộc, bà tôi vật vã (tôi nghĩ thế) trải qua nửa tháng trong phòng ICU rồi qua đời. Cả nhà tự an ủi nhau, chúng ta đã cố hết sức. Và đó chính là lý do khiến tôi luôn ủng hộ Quyền được chết. Tôi cảm thấy việc duy trì chút hơi tàn của một người không còn khả năng phục hồi chỉ nhằm một mục đích duy nhất – thoả mãn thân nhân của họ, thoả mãn cái suy nghĩ “tôi đã cố hết sức rồi nhưng mệnh trời đã định nên đành buông tay” của họ. Tôi cho rằng, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ suy nghĩ về người bệnh, với tình yêu vô bờ bến cộng hưởng với niềm tin gần như mù quáng rằng ngay ngày mai thôi, thế giới sẽ đột ngột công bố một phát minh chữa khỏi cho người đó. Và tôi cũng biết có nhiều người không cùng suy nghĩ với tôi. Thế nên Keigo mới có cơ hội viết cuốn sách này.

Tác giả thể hiện trình độ bậc thầy trong xử lý các quan điểm đối lập.

Cô bé Mizuho được chẩn đoán chết não, nhưng để chắc chắn não chết thật không thì phải thông qua test. Vấn đề nằm ở chỗ dường như ngoài não ra thì tất cả các bộ phận khác đều còn sống. Vậy, nếu tuyên bố cô đã chết liệu có phải đã giết cô hay không? Câu trả lời luôn gây tranh cãi (nếu không thì hết chuyện ngay từ chương hai). Có tuyến nhân vật nói “có”, ngược lại, đương nhiên có tuyến nhân vật nói “không”. Xuyên suốt tác phẩm là quá trình người mẹ tìm mọi phương pháp thể hiện rằng con mình còn sống. Cô không thể chấp nhận con đã chết, đồng thời cũng hiểu rằng tình trạng này sẽ không thể kéo dài mãi.

Tác giả rất tài tình khi đưa các bằng chứng bảo vệ cho cả hai luận điểm đối lập. Thực ra, phải nói là Keigo quá khôn ngoan khi không hề đưa ra quan điểm cả nhân, người đọc ban đầu nghĩ thế nào thì đọc xong vẫn nghĩ thế đó. Không áp đặt, không thuyết phục. Chỉ đơn giản là đưa thông tin, tuỳ từng người xử lý.

Cái kết tròn vẹn và hợp lý khi Keigo để Mizuho là người quyết định khi nào mình chết. Phần kết ý nghĩa và đẹp đẽ khiến tôi chỉ có thể nói: “không uổng công tôi thích ông”. Có điều, tôi đọc truyện này cảm thấy buồn ngủ và có phần lê thê chứ không cuốn hút như mấy cuốn khác.

Chấm điểm: 8-/10

Hơi thấp so với những lời khen phía trên, căn bản vì tôi hơi khó đồng tình với người mẹ Kaoruko của Mizuho. Nhiều lúc, tôi cảm thấy cô ấy hơi khùng. Nhưng nếu đặt địa vị vào một người mẹ, hành động của cô lại có thể hiểu được.

Và một điều cần lưu ý, Quyền được chết gì gì đó, nói hoa văn thế nhưng điều kiện tiên quyết vẫn là TIỀN. Bạn không thích chết êm ái chứ gì? Có đủ tiền không? Không hả? Vậy thì kệ bạn chấp nhận quan điểm cái chết êm ái hay không, người thân của bạn vẫn phải chết.

9. UYÊN KHÔI review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

“Em không nghĩ mình vất vả gì cả. Em hạnh phúc lắm. Khi chăm lo cho Mizuho, em có cảm giác mình đang bao bọc sinh mệnh do chính mình đã sinh ra, em hạnh phúc lắm. Người ngoài có thể thấy em là một bà mẹ tham lam nhưng mà…” Kaoruko nói vậy khi ngẩng đầu lên nhìn di ảnh. “Thế gian này có những thứ tham lam mấy cũng không thể bảo vệ nổi. Và tham lam vì con cái của mình thì chỉ có thể là người làm mẹ. Nếu Ikuto cũng thành ra như thế, em chắc chắn sẽ lại tham lam như vậy. Dẫu có vứt bỏ sinh mạng này em cũng sẽ bảo vệ cho bằng được.”

Nhắc đến văn học Nhật Bản, không ai là không biết đến Keigo, mà nổi tiếng như mấy tác phẩm Phía Sau Nghi Can X hay Bạch Dạ Hành thì mình lại chưa đọc, đây là tác phẩm đầu tiên mình đọc của Keigo. Tác phẩm nói đến một vấn đề mà đến nay vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam: hiến tạng (mà lại là hiến tạng cho trẻ nhỏ). Mình không bàn đến khía cảnh nhân văn hay tính đúng sai của việc này như vấn đề mà các nhân vật đã phải đối mặt, mỗi người sẽ có một suy nghĩ riêng, nhưng với mình thì mình cảm thấy thật có ích ngay cả khi đã mất đi mình vẫn có thể đem lại niềm vui sống cho một người khác.

Cái còn đọng lại đến cuối cùng ở mình là tâm trạng day dứt, dằn vặt, đau đớn, cùng những câu hỏi của Kaoruko ở phần cuối sách. Mizuho đã chết ư? Nếu vậy bây giờ tôi đâm chết nó nghĩa là tôi không phạm tội giết người ư? Nếu tôi phạm tội giết người vậy thì nó còn sống ư? Hãy trả lời tôi đi! Không một ai trả lời được câu hỏi của cô.

Mizuho đã luôn yêu thương và được yêu thương. Một tình yêu vương vấn mùi hương hoa hồng…

10. LẠC LẠC review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Một câu chuyện vừa kì lạ, lại vừa có chút thần kì, cho đến tận khi đóng quyển sách lại, cảm xúc trong mình vẫn còn lẫn lộn lắm.

Mizuho rơi vào tình trạng nguy kịch sau một tai nạn đuối nước. Cô bé được chuẩn đoán chết não, và bố mẹ của cô bé được gợi ý về việc hiến tạng con gái mình, giữa rất nhiều băn khoăn và đau đớn, phải đấu tranh giữa việc từ bỏ con gái mình hay chấp nhận giữ lại cô bé với tình trạng có thể mãi mãi cũng không tỉnh dậy, bố mẹ của cô bé đã đưa ra một quyết định bất ngờ, và dự định ly hôn của hai người cũng tạm thời dừng lại.

Mạch truyện chậm rãi, có chút đơn giản, nhưng nếu như có thể kiên nhẫn đến trang cuối cùng, nó sẽ là một câu chuyện đáng đọc với mình là như thế, cảm giác như có thể trút ra một hơi thở nhẹ nhõm sau quá nhiều những uất ức khó chịu vậy.

“Vì con, dù phải làm những chuyện điên rồ nhất, hay bị cả thế giới quay lưng dè bỉu, mẹ cũng mỉm cười chấp nhận.”

Thật ra mình vẫn không biết liệu có nên nói người mẹ trong câu chuyện là một người ích kỉ hay không nữa, vì có lẽ bất cứ người mẹ nào gặp phải trường hợp đó, đều sẽ chọn cố chấp tin vào những điều bản thân họ muốn tin thôi. Giống như Kaoruko luôn tin rằng Mizuho vẫn còn sống, mặc kệ mọi điều thế gian xung quanh bàn tán.

Tình yêu của người mẹ, có chăng luôn lớn lao đến thế khiến người ta vừa ngưỡng mộ, lại vừa có chút xót xa.

Có vài đoạn mình gần như nín thở để đọc, bởi vì mọi thứ ùa đến bất ngờ quá, đến mình còn không thể tưởng tượng ra nhưng thậm chí có những đoạn vốn dĩ rất bình thường thôi, vậy mà vẫn làm mình thấy bứt rứt, giống như có gì đó đè nặng trong lòng.

Higashino Keigo vẫn rất thành công khi lại lần nữa mang đến một câu chuyện với những mối liên kết không ngờ, điểm khởi đầu cũng là điểm kết thúc, một cái kết bất ngờ vậy mà vẫn logic, không một kẽ hở nào xuất hiện, mình vẫn luôn cảm thấy Higashino Keigo thật sự quá tài năng.

“Thế gian này có những thứ tham lam mấy cũng không thể bảo vệ nổi. và tham lam vì con cái của mình thì chỉ có thể là người làm mẹ.”

Sau tất cả những chuyện đã trải qua, cuối cùng thì mọi người đều hạnh phúc, mọi gánh nặng cũng được buông bỏ. Cuộc đối thoại sau cùng ở bệnh viện của bác sĩ và người bố, thật sự đã làm mình thở ra một hơi nhẹ nhàng. Có lẽ với người bố, miễn là trái tim Mizuho còn đập, anh vẫn sẽ tin rằng con gái anh còn sống trên thế giới này.

Một câu chuyện với cái kết tốt đẹp.

“Người trao cho cậu sinh mạng đáng quý này đã được bao bọc bằng tình yêu thương sâu sắc, đượm hương hoa hồng, hẳn đã từng rất hạnh phúc.”

Có rất nhiều thứ, không phải là kéo dài vô nghĩa, mà là đang đợi đến thời điểm thích hợp, để từ bỏ, để tạm biệt và để dành cho một khởi đầu mới như những ngày tháng họ đã trải qua.

11. MARU review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Một tình huống trớ trêu. Nếu gia đình đồng ý hiến tạng, bệnh viện sẽ thực hiện bài kiểm tra chết não. Nếu kết luận cho thấy bệnh nhân đã chết não, pháp luật công nhận người đó đã chết, và cho dù lúc này gia đình có muốn hiện tạng nữa hay không, các đơn vị y tế sẽ ngay lập tức từ chối tiếp tục điều trị. Vậy là bệnh nhân chắc chắn sẽ chết – đúng nghĩa y học – ngay sau khi nhận kết quả chết não.

Câu hỏi xuyên suốt tác phẩm này không phải là cha mẹ nên làm gì với “nội tạng” cô bé. Câu hỏi là liệu họ đã tin cô bé đã chết hay chưa.

Nếu cha mẹ không tin tưởng hay chấp nhận rằng cô bé đã chết, đồng ý tiến hành bài kiểm tra không khác gì đang giết chết chính con gái của họ. Không ai, không người ngoài cuộc nào sẽ phải đối mặt với sự mất mát của con gái họ, và họ sẽ buộc phải sống với ý nghĩ đã giết cô bé cho đến hết đời. Bạn tưởng tượng được nỗi đau đó không? Bạn có muốn sống với cảm giác đó cho đến hết đời không?

Bởi lẽ đó, tôi ngưỡng mộ bậc cha mẹ trong câu chuyện này. Họ luôn biết họ muốn gì và họ thực hiện những gì họ muốn. Sau cùng, kể cả trong những tình huống tàn nhẫn, ai cũng có thể cho bạn lời khuyên, nhưng bạn là người duy nhất quyết định được điều tốt nhất cho chính mình.

12. HƯƠNG ĐEO NIỀNG review sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Không đi theo thể loại trinh thám theo thông lệ, lần này Keigo đào sâu vào tình cảm gia đình, cụ thể hơn là tình cảm bao la của một người mẹ giành cho con gái mình. Có lúc, theo mạch truyện, tình cảm ấy như trở thành một chấp niệm, là sự bám víu, nó trở nên độc hại và điên rồ nhưng có lúc, nó tỏa sáng hơn cả, nó trở nên vĩ đại đầy bao la.

Từ đó có thể hiểu quá trình đọc cuốn này tôi luôn có những cảm xúc lẫn lộn trái chiều về người mẹ, có lúc tức giận, có lúc cảm thông nhưng vẫn luôn nể phục

Cuốn sách khiến tôi rưng rưng nước mắt ngay thư viện trường đấy :))

III. Trích dẫn sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ

Trích dẫn sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Trích đoạn Chương 1 – Chỉ Cầu Quên Đi Đêm Nay

1.

Khi ly vang trắng của Kaoruko đã cạn, nhân viên pha chế trong bộ trang phục đen tiến lại gần.

“Thưa quý khách, tiếp theo quý vị dùng gì ạ?” Người đó nhìn Kaoruko và Enokida Hiroki ngồi đối diện cô rồi hỏi.

“Tiếp theo, tôi đã gọi món bào ngư rồi nhỉ?” Enokida nói vậy với cậu nhân viên.

“Vâng, thưa quý khách.”

“Vậy thì,” Enokida nhìn Kaoruko và gợi ý, “Hai ly rượu trắng cho hợp với món bào ngư nhé?”

“Vâng, thế cũng được ạ.”

Enokida cười cười gật gù, “Vậy thì thế đi,” rồi nói với nhân viên.

“Vâng, thưa quý khách. Vậy thì, quý khách thấy những món này sao ạ?” Nhân viên mở thực đơn, chỉ cho Enokida xem.

“Ừm, cứ thế đi. Nhờ cậu.”

Sau khi nhìn cậu nhân viên cúi mình rồi đi khuất, Enokida nói, “Những lúc thấy còn băn khoăn, tốt nhất là cứ để người khác quyết định. Cứ giả vờ hiểu biết rồi chọn phải loại rượu không hợp vị thì cũng chẳng biết nên cáu với ai đúng không?”

Kaoruko hơi nghiêng đầu, liếc xéo lại vẻ mặt đẹp đẽ trắng trẻo kia.

“Đến cả bác sĩ cũng có lúc cáu giận sao?”

Enokida cười nhạt. “Chuyện đó cũng có thể lắm chứ.”

“Chà, một bộ mặt khác khó tưởng nha.”

“Nói thẳng ra thì do bản thân tôi muốn làm loạn chút thôi. Nhưng điều ấy là không nên đúng không? Với lại, nếu kìm nén không cáu gắt với người khác thì cũng không gây ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh. Con người ta ai cũng cần đường lui chứ. Bất cứ lúc nào cũng vậy.” Giọng nói trầm thấp, rành rọt của Enokida vang bên tai Kaoruko. Vang vọng sâu trong tim cô nữa.

Enokida muốn nói gi, Kaoruko hiểu cả. Chính bởi vậy, cô chẳng nói gì nhiều, môi chỉ giữ nụ cười vừa phải và cằm hơi gật mà thôi. Thấy thái độ của cô như vậy, anh ta cũng có vẻ hài lòng.

Nhân viên pha chế mang loại vang trắng đã giới thiệu tới, nó rất hợp vị với món bào ngư, Enokida cũng chẳng có cớ gì đế trách móc. Anh ta gọi nửa chai vang đỏ cho món chính. Còn chọn cả nhãn hiệu. Thi thoảng mới có món “chuyên môn” của mình mà.

“Một khi ta có tự tin, cứ tích cực hành động. Đó là quy tắc để sống đời tích cực đấy.” Enokida cười với vẻ tinh nghịch. Hàm răng trắng thấp thoảng giữa đôi môi.

Sau khi ăn xong món chính, tới lượt món tráng miệng. Kaoruko vừa lấp dạ dày bằng hoa quả và chocolate trên đĩa vừa nghe Enokida kể chuyện. Cô càng lúc càng thấy hứng thú với câu chuyện về lịch sử đồ tráng miệng, thực sự rất thú vị. Không phải bàn cãi, khả năng kể chuyện của anh ta đúng là quá quyến rũ.

“Cực kỳ ngon, em ăn no quá. Mai phải đến phòng gym để bơi cật lực mới được.” Kaoruko vỗ vỗ bụng mình qua lớp áo.

“Hấp thụ vào rồi đốt cháy năng lượng. Đúng là lý tưởng. Sắc mặt em cũng khác hẳn so với một năm trước đây,” cầm ly cà phê trên tay, Enokida nói vậy.

“Cũng nhờ bác sĩ cả,” tuy đã chớm nghĩ tới câu đó, nhưng Kaoruko không nói ra khỏi miệng. Hiếm khi cô mới được yên tĩnh chuyện trò đến thế này.

Sau khi rời nhà hàng, hai người đi đến quán bar quen, ngồi lên ghế ở quầy. Kaoruko gọi Singapore Sling[1], còn Enokida một ly Gin-tonic[2].

[1] Được xem là một trong những loại cocktail mang tính biểu tượng nhất thế giới, nguyên bản gồm rượu gin, rượu vị sơ-ri, rượu ngọt Benedictine, nước ép lựu và nước ép dừa Sarawak.

[2] Một loại cocktail vị thanh mát, nguyên bản gồm rượu gin, nước Tonic, và chanh tươi cắt lát.

“Đêm nay mấy đứa trẻ ở đâu? Lại đưa về nhà ngoại sao?” Nghiêng ly, Enokida khẽ thì thào vào tai cô.

Hoi thở của người đó làm cô thấy hơi nhột, Kaoruko khẽ gật đầu. “Em nói là đi gặp mấy đứa bạn thời đại học. “

“Ra là thế. Anh hỏi để tham khảo thôi, nhưng bạn em chỉ có nữ giới à?”

“Vâng, nhưng mà…” Kaoruko ghé nghiêng, liếc xéo anh ta. “Cũng có thể thay đổi, kiểu có nam có nữ. Em không nói rõ ràng với mẹ.”

“Thế cũng hay. Anh cũng cảm thấy đỡ tội lỗi. Đương nhiên, anh nào có phải bạn thời đại học của em, em cũng chẳng đi cùng ai khác ngoài anh.” Enokida nốc trọn ly Gin-tonic. “Vậy là, đêm nay các con em ở nhà ngoại à?”

“Vâng. Giờ này chắc chúng cũng ngủ rồi.”

Như thể bị thuyết phục, Enokida gật gù.

Người đó hẳn phải có ẩn ý gì thì mới hỏi như thế. Kaoruko cũng lựa theo chiều gió thôi. Hai người nào có phải là con nít.

“Cũng đến lúc ta đi thôi nhỉ?” Enokida nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói.

Kaoruko cũng xem lại thời gian. Đã quá 11 giờ. “Vâng,” cô đáp.

Sau khi thanh toán và rời cửa hàng, Enokida lại nhìn đồng hồ một lần nữa.

“Giờ ta tính sao đây? Anh cảm thấy mình uống vẫn chưa đủ.”

“Hay ta vào quán nào đó? Một quán bar kiểu gia đình kín đáo chẳng hạn?”

Câu nói của Kaoruko khiến Enokida gãi đầu tỏ vẻ khổ sở.

“Xin lỗi nhé, anh không có chuẩn bị làm mấy chuyện đó đêm nay. Chỉ là, lâu lắm mới kiếm được chai rượu hiếm nên đã ướp lạnh sẵn. Anh mới nghĩ hay ta thưởng thức cùng nhau thôi.”

Nơi giữ lạnh hẳn là phòng anh ta. Đêm nay, Kaoruko cảm thấy Enokida đang cố nâng mối quan hệ của hai người lên một giai đoạn mới bằng cuộc nói chuyện nãy giờ. Cô vẫn chưa đến phòng anh ta. Cũng chưa hề có quan hệ xác thịt.

Chỉ thoáng chút băn khoăn, cô nhanh chóng đáp lời. “Xin lỗi anh,” cô nói. “Sáng mai em phải đón lũ trẻ sớm. Chai rượu đó, đành để bác sĩ thưởng thức một mình vậy.”

Enokida không hề tỏ chút thất vọng nào, anh ta tươi cười xua tay. “Một mình uống không nổi đâu. Nếu đã vậy, để đợi lần tới nhé. Anh sẽ tìm ra món khai vị hợp với loại rượu đó.”

“Hay quá. Em cũng sẽ tìm món gì đó.”

Ra tới đường cái, Enokida giơ tay gọi taxi giùm cô. Kaoruko một mình leo lên ghế sau taxi. Nhằm đảm bảo không có những lời đồn thổi đại thể như “Phu nhân Harima để đàn ông cùng đi taxi tiễn về nhà” lan tràn hàng xóm láng giềng.

Chúc ngủ ngon, không nói ra thành tiếng, Kaorako chỉ hướng về phía Enokida và chúm miệng nói câu đó. Anh ta gật đầu, khẽ vẫy.

Chiếc taxi vừa chuyển bánh, cô đã thở hắt ra một cái. Cô cũng biết rõ mình đã hồi hộp thế nào.

Một lúc sau đó, điện thoại có tin nhắn. “Cũng chẳng mấy khi, anh sẽ chuẩn bị bộ ly mới. Đêm nay rất vui. Chúc em ngủ ngon.” Có lẽ con người này đã có ý đưa cô về phòng mình đêm nay nên cũng chuẩn bị sẵn rồi.

Đi thì cũng tốt thôi.

Chỉ là, có thứ gì đó trong Kaoruko vẫn bế tắc lắm. Chính xác là gì, ngay đến bản thân cô cũng chẳng hiểu rõ.

Bàn tay phải của cô chạm vào ngón áp út tay trái. Ngón tay đeo nhẫn. Kể từ khi kết hôn, cô chưa một lần đi đâu mà thiếu nó. Cô cũng đã quyết sẽ không tháo ra cho đến khi chính thức ly hôn.

2.

Người phụ nữ mang số bảy, năm nay ba mươi tuổi theo thông tin ghi trong hồ sơ. Cô ta mặc một cái váy liền màu vàng, nhìn qua gấu váy, thấy cô chân khá gầy guộc. Chân đi đôi giày thể thao màu trắng trông chẳng ăn rơ gì với chiếc váy, nhưng nó không phải là đồ cá nhân, mà là giày do phòng nghiên cứu chuẩn bị sẵn. Đôi giày cao gót cô ta đi đến đây cũng thấp thôi, trông cũng có vẻ khá an toàn nhưng đôi giày thể thao khi làm thực nghiệm là quy định rồi.

Nhân viên nghiên cứu bắt đầu dẫn người phụ nữ số bảy ra đến điểm xuất phát. Tay cô ta không hề cầm gậy trắng. Nhằm đảm bảo khi đi lại, cô không nắm được bất cứ thông tin gì. Chiếc gậy trắng đối với những người bị khiếm thị như con mắt nhìn đường của họ, có lẽ cô đang dần cảm thấy bất an trong lòng.

Harima Kazumasa nhìn một vòng quanh khu thực nghiệm. Diện tích là hai mươi mét vuông, trong đó đã xếp sẵn các chướng ngại là thùng các tông và các khối trụ tròn bằng xốp. Mọi thứ sắp xếp chẳng theo bất cứ quy luật gì, có cả những khoảng vô cùng chật hẹp.

Người phụ nữ đã đến điểm xuất phát. Tại đó, người ta giao cho cô hai vật. Một thứ khá giống kính râm, nhưng chức năng hoàn toàn khác. Phần mắt kính thay bằng một cái máy quay cỡ nhỏ. Đội nghiên cứu gọi là kính bơi. Một thứ nữa là mũ bảo hiểm. Nhìn thoáng qua trông không có vẻ gì kỳ lạ, nhưng bên trong gắn điện cực. Người phụ nữ nhận lấy nó mà mặt không hề đổi sắc, chắc cô đã tham gia thực nghiệm này nhiều lần. Có lẽ cô biết rõ những gì sẽ xảy ra sau đó. Cô đội mũ bảo hiểm và đeo mắt kính vào một cách thành thục.

“Chị chuẩn bị xong chưa?” nhân viên hỏi người phụ nữ số bảy.

“Vâng,” người đó đáp lại nho nhỏ.

“Vậy thì, bắt đầu. Chuẩn bị, bắt đầu!” Vừa nói nhân viên nghiên cứu vừa lùi xa khỏi cô ấy.

Người phụ nữ số bảy xoay gương mặt đã đeo kính quét khắp lượt trái phải rồi mới bắt đầu bước đi.

Kazumasa mở tập tài liệu trong tay. Hình như cô ta làm cho một cơ sở y tế trong thành phố, đi làm hàng ngày bằng tàu điện vào lúc 8 giờ sáng. Tuy gần như chẳng nhìn thấy gì, nhưng chắc rất quen với chuyện đi lại trong thành phố.

Đã đến gần chướng ngại vật đầu tiên. Chiếc thùng các tông chặn ngay lối đi của cô ta. Người phụ nữ đứng lại trước đó một khoảng.

Thật sự, riêng điều này đã khá vất vả rồi.

Mắt không nhìn thấy đường, nhưng cô ta có thể cảm nhận thấy trước mặt có thứ nguy hiểm dù không có gậy trắng trong tay. Bí mật nằm ở chiếc máy quay dạng kính bơi và chiếc mũ bảo hiểm có gắn điện cực kia. Những hình ảnh máy quay thu thập về sẽ được máy tính xử lý thành tín hiệu điện, thông qua điện cực, kích thích vào não. Đưong nhiên, không đồng nghĩa với việc cô ta sẽ nhận được hình ảnh chính xác của những điều đó. Chỉ như đứng giữa một màn sương mù ta phát hiện có thứ gì đó đang lơ lửng mà thôi. Nhưng đối với người khiếm thị mà nói, đây đã là những thông tin cực kỳ hữu ích rồi.

Người phụ nữ lại bắt đầu bước đi. Với những bước chân thận trọng, cô đi chếch sang bên phải hộp các tông. Một nhân viên nghiên cứu giơ nắm tay tỏ ý vui mừng. Kazumasa trừng mắt tỏ ý đừng vui mừng quá sớm nhưng người đó có vẻ không nhận thấy ánh mắt của anh.

Đúng là tuy có hơi tốn thời gian, nhưng người phụ nữ đã lần lượt tránh được hết những hộp các tông và cột bằng xốp, đi hết cung đường quanh co. Nhưng gần đến đích rồi, cô ấy lại dừng bước. Trước mặt người phụ nữ giờ là ba quả bóng đá xếp chếch nhau. Khoảng cách cũng không hẹp lắm.

Sau khi dừng lại một lúc khá lâu, người phụ nữ lắc đầu.

“Tôi không hiểu.”

Có tiếng ai đó thở dài nghe thấy rõ.

Nhân viên nghiên cứu lại gần, sau khi gỡ cả kính và mũ, đưa cho cô ấy chiếc gậy chỉ đường.

“Anh thấy sao?” Người đàn ông cùng Kazumasa theo dõi buổi thực nghiệm quay lại. Gương mặt đó xen lẫn cả sự tự tin và mối bất an. Anh ta là người phụ trách nghiên cứu này. “Tuy không hoàn thành được thử thách cuối nhưng thành tích so với lần trước là tốt hơn nhiều rồi.”

“Tàm tạm thôi. Người phụ nữ này được huấn luyện bao lâu rồi?”

“Mỗi ngày một tiếng, cũng được ba tháng rồi. Thực nghiệm đi bộ qua những chướng ngại vật kiều này đã đến lần thứ tư”, người phụ trách giơ lên bốn ngón tay. Như thể anh ta muốn nói có hiệu quả đến mức đó.

“Khá đấy, một người gần như mù hoàn toàn má đi vòng quanh không cần gậy thế đã tốt lắm rồi. Nhưng tôi cho rằng người này là một học sinh ưu tú. Vấn đề nằm ở chỗ, đối với những người ít đi lại nó sẽ có hiệu quả ra sao.”

“Đúng như lời anh nói, nhưng nếu tính đến buổi lắng nghe ý kiến ở Sở Lao động tuần tới, tôi nghĩ thế này cũng khá ổn rồi.”

“Này, này, anh nghĩ ta nghiên cứu cái này chi để làm vừa lòng giới quan chức thôi sao? Nhầm rồi. Nếu anh không đặt mục tiêu cao hơn thì sẽ phiền đấy. Nói thẳng ra, thế này thì khả năng áp dụng ứng dụng vào thực tế vẫn còn xa vời lắm.”

“À, vâng, đương nhiên, tôi hiểu rồi.”

“Hôm nay tôi coi là đạt, hãy nhắc đội trưởng tập hợp lại những điểm cần lưu ý rồi gửi báo cáo lên chỗ tôi.”

Trước khi kịp nghe câu “tôi hiểu rồi” từ người phụ trách, Kazumasa đã quay gót bỏ đi. Anh cũng bỏ lại tập tài liệu cầm trên tay lên một chiếc ghế xếp gần đó rồi đi ra phía cửa.

Sau khi rời khu thực nghiệm, anh quay về khu văn phòng chính nơi đặt phòng giám đốc. Khi anh đang ở một mình trong cầu thang máy, một cậu nhân viên bước vào từ một tầng khác. Người đó thấy Kazumasa thì có vẻ ngạc nhiên nhưng sau đó lấy lại vẻ bình tĩnh và cúi mặt xuống.

“Cậu là Hoshino nhỉ?”

“Vâng, em là Hoshino Yuuya, thuộc đội ba nhóm BMI.”

“Tôi có nghe bài phát biểu hôm trước của cậu. Nghiên cứu khá độc đáo đấy.”

“Cảm ơn anh nhiều ạ.”

“Tôi thấy có hứng thú với việc cậu chú trọng cơ thể con người. Đối với những bệnh nhân bị liệt do tổn thương não và đốt sống cổ, những tín hiệu từ não có thể giúp kích hoạt chuyển động từ những cơ quan hỗ trợ như cánh tay rô-bốt, đó là khái niệm chung về giao diện máy não. Tuy nhiên, cậu lại xem xét đến khía cạnh tín hiệu từ bộ não sẽ truyền qua máy móc đến tủy sống, khiến bệnh nhân cử động được chân tay. Sao cậu lại nghĩ đến điều đó?”

Hoshino vẫn đứng nghiêm, ưỡn ngực.

“Lý do đơn giản lắm ạ. Ai cũng muốn không cần đến rô-bốt, có thể tự dùng tay để ăn uống, dùng chân để đi lại mà.”

Ra là thế, Kazumasa gật gù.

“Cậu nói cũng có ý đúng. Có nguyên nhân nào khiến cậu suy nghĩ như vậy chăng?”

“Có ạ. Thật ra, ông em bị xuất huyết não, thành ra liệt toàn bộ thân bên phải, em đã chứng kiến ông khổ sở đến mức nào. Dẫu đã cố gắng hết sức tập luyện nhưng rồi ông vẫn qua đời với cơ thể không hoạt động được.”

“Là vậy à. Ý tưởng của cậu rất hay. Nhưng tôi có cảm giác hướng đi này không hề dễ phát triển đâu.”

Cậu nhân viên nghiên cứu trẻ tuổi nghiêm túc gật đầu trước câu nói của Kazumasa.

“Rất khó ạ. Hệ thống tín hiệu của dây thần kinh vận động trong cơ bắp người phức tạp gấp vài trăm lần so với rô-bốt.”

“Đúng vậy. Nhưng đừng nản chí. Tôi không ghét những kẻ có suy nghĩ khác người.”

“Cảm ơn anh, anh đã khuyến khích em rất nhiều.” Hoshino lại cúi chào lần nữa.

Hoshino rời thang máy trước. Kazumasa lên đến tầng trên cùng. Phòng giám đốc nằm ở nơi đó.

Khi anh vừa ngồi xuống ghế, điện thoại báo có tin nhắn đến. Anh mở ra xem với một dự cảm không hay, đúng là từ Kaoruko. Tiêu đề là “chuyện phỏng vấn”. Cảm giác chán nản bỗng tăng lên.

“Lần trước, em cũng có báo với anh rồi. Thử Bảy tuần tới có buổi phỏng vấn thử. Em đã nhờ mẹ trông lũ trẻ. Bắt đầu từ lúc 13 giờ. Địa điểm như em đã báo. Đừng có đến muộn.”

Anh thở dài, ném chiếc điện thoại lên bàn. Miệng trở nên đắng ngắt.

Anh xoay chiếc ghế bành, hướng ra phía cửa sổ. Hình ảnh vịnh Tokyo rộng lớn hiện ra ngay trước mắt. Những chiếc thuyền chở hàng lặng lẽ di chuyển.

Công ty cô phần Harima Text là công ty sản xuất máy móc văn phòng do ông anh thành lập. Danh tiếng công ty đi cùng các loại máy móc dán nhãn hiệu Harima. Người thừa kế tiếp theo, bố anh, ông Tatsurou đã hướng nó theo ngành IT. Khi máy tính xách tay dần cũng trở thành vật dụng quen thuộc trong gia đình, đây là một chiến lược đúng đắn. Tuy là một doanh nghiệp bậc trung, nhưng công ty luôn có chỗ đứng trong giới.

……

Trên đây là trích đoạn trong sách Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ – Higashino Keigo. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (12 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Trích dẫn sách Những Người Hàng Xóm - Nguyễn Nhật Ánh

Những Người Hàng Xóm – Nguyễn Nhật Ánh

Những Người Hàng Xóm, câu chuyện đi theo lời kể của một anh chàng mới lấy vợ, chuẩn bị đi làm và có ý thích viết văn. Anh chàng yêu vợ theo cách của mình, khen ngợi sùng bái người yêu cũng theo cách của mình, nhưng nhìn cuộc đời theo cách sống của những người hàng xóm. Sống trong tình yêu của vợ đầy mùi thơm và nhiều vị ngọt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *