Bài thơ: Một Mùa Đông
I
Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.
Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa.
Đây là dải Ngân Hà,
Anh là chim Ô Thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.
Để mặc anh đau khổ,
Ái ân giờ tận số,
Khép chặt đôi cánh song!
Khép cả một tấm lòng!
II
Tặng D.C.
Em là gái trong khung cửa,
Anh là mây bốn phương trời;
Anh theo cánh gió chơi vơi,
Em vẫn nằm trong nhung lụa.
Em chỉ là người em gái thôi,
Người em sầu mộng của muôn đời,
Tình em như tuyết giăng đầu núi,
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.
Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng víu nợ thi nhân?
Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân?
Cho tình tràn trước ngõ?
Cho mộng tràn gối chăn?
III
Ngày một ngày hai cách biệt nhau
Chẳng được cùng em kê gối sầu,
Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo,
Cùng cười những chuyện thế gian đau.
Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đùa nô uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh,
Lạnh buồn như ngọn gió heo may.
Môi em đượm sặc mùi nho tươi,
Đôi má em hồng chúm nụ cười,
Đôi mắt em say màu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc rơi.
Tuy môi em uống, lòng anh say,
Lời em càng nói càng chua cay
Anh muốn van em đừng nói nữa,
Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay.
IV
Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau,
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng.
Hãy như chiếc sao băng băng mãi
Để lòng buồn, buồn mãi không thôi.
***Các nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Hoàng Thanh Tâm đã dùng đoạn 1 của bài thơ này để soạn lời các bài hát Mắt buồn và Một mùa đông. Các nhạc sĩ Y Vân và Anh Bằng dùng đoạn 2 để soạn các bài hát Người em sầu mộng và Ai bảo em là giai nhân.
Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, Librairie Centrale ấn hành, 1939
Thông tin về tác giả Lưu Trọng Lư
Lưu Trọng Lư (19 tháng 6 năm 1911 – 10 tháng 8 năm 1991), là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam.
Lưu Trọng Lư là người làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Thuở nhỏ, ông học trường tỉnh, rồi học ở Huế (đến năm thứ 3 tại Quốc học Huế) và Hà Nội. Sau đó, ông bỏ học đi dạy tư, làm văn và làm báo để kiếm sống.
Năm 1932, ông là một trong những nhà thơ khởi xướng và tích cực cổ vũ cho phong trào Thơ mới.
Năm 1933-1934, ông chủ trương mở Ngân Sơn tùng thư ở Huế.
Năm 1941, ông và thơ ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), ông tham gia Văn hóa cứu quốc ở Huế. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia hoạt động tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV.
Sau 1954, ông công tác ở Bộ Văn hóa và làm Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Năm 1957, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngày 10 tháng 8 năm 1991, Lưu Trọng Lư mất tại Hà Nội, thọ 80 tuổi. Sau khi mất, ông được an táng tại Nghĩa trang Văn Điển. Năm 1996, hài cốt ông được đưa về an táng tại Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000..
Con trai thứ 9 của ông là đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
Có thể bạn quan tâm: |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!