Bài thơ: Mời Yêu
Ngày trong lắm, lá êm, hoa đẹp quá,
Nhan sắc ơi, cây cỏ chói đầy sao.
Tháng giêng cười, không e lệ chút nào,
Bằng trăm cánh của bướm chim rối rắm.
Ai có biết màu xuân lên nặng lắm
Trên cành hồng và trong những trái tim?
Nghe điệu lòng hưởng ứng với ca chim,
Tôi tự thấy lạc loài trong nắng mới.
Mở miệng vàng… và hãy nói yêu tôi…
Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi…
Đã bao lúc màu hoa đem nhớ tới;
Biết nhớ ai! đành chỉ nhớ xa xôi.
Lời ái ân ngừng lại ở nơi môi,
Mặc ánh sáng tha hồ reo trên nội.
Năm nay lại vương bồi hồi gió sợi;
Năm nay hương đây lại tới bồi hồi;
Một trời mơ đang cầu nguyện trong tôi,
Chờ một tiếng để bừng lên hạnh phúc.
Mở miệng vàng… và hãy nói yêu tôi,
Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi…
Cần chi biết ngày mai hay bữa trước?
Gần hôm nay, thì yêu dấu là nên.
Tôi ưng đùa, người hãy cợt thản nhiên:
Ta tưởng tượng một tình duyên mới nụ.
Người được nói, tôi được nghe là đủ;
Thực càng hay, mà giả dối lại sao?
Gặp nhau đây, ai biết tự thời nào;
Xa nhau nữa, ai đoán ngày tái hội!
Mở miệng vàng, và hãy nói yêu tôi,
Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi!
Hỡi nhan sắc, ngại ngùng chi không nói,
Cho trời thêm xanh, cho cảnh càng xinh.
Cho dư âm vang động của lời tình
Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải.
Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại!
Tôi cần tin! Tôi khao khát được nhầm!
Cho tôi mơ một ảo tưởng thâm trầm,
Và mặc kệ, nếu đó là dối trá!
Mở miệng vàng! và hãy nói yêu tôi!
Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi!
Nguồn: Xuân Diệu, Gửi hương cho gió, NXB Hội nhà văn, 1992
Thông tin về tác giả Xuân Diệu
Ngô Xuân Diệu (2 tháng 2 năm 1916 — 18 tháng 12 năm 1985), là nhà thơ, nhà báo, nhà văn viết truyện ngắn và nhà phê bình văn học người Việt Nam. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX. Được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, Xuân Diệu nổi tiếng với tập Thơ thơ (1938), thể hiện một tiếng nói riêng biệt chịu ảnh hưởng văn hoá phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa tượng trưng Pháp. Ông là một trong những người đầu tiên áp dụng thủ pháp thơ phương Tây như enjambment vào thơ Việt Nam, dù đôi khi vẫn tuân theo hình thức truyền thống như lục bát. Trong khoảng thời gian từ năm 1936 đến năm 1944, thơ của ông đã thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, Xuân Diệu còn được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”. Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945, thơ của ông chủ yếu ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh, và các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; ông không còn sáng tác thơ tình nhiều như trước. Khi qua đời năm 1985, ông để lại khoảng 450 bài thơ, cùng một số truyện ngắn, tiểu luận phê bình.
Ngô Xuân Diệu, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại quê mẹ Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha là ông Ngô Xuân Thọ (trong tộc phả ghi là Ngô Xuân Thụ) và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp. Sau này ông lấy tên làng là Trảo Nha làm bút danh. Xuân Diệu sống ở Tuy Phước đến năm 11 tuổi thì ông vào Nam học ở Quy Nhơn.
Có thể bạn quan tâm: |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu đến mọi người! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!