Thể Loại | Văn học – Tiểu thuyết |
Tác Giả | Haruki Murakami |
NXB | NXB Hội Nhà Văn |
CTy Phát Hành | Nhã Nam |
Số Trang | 192 |
Ngày Xuất Bản | 2018 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Lắng Nghe Gió Hát
Lắng nghe gió hát (風の歌を聴け Kaze no uta wo kike) là tên tiểu thuyết đầu tay phát hành năm 1979 của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki. Lắng nghe gió hát xuất hiện lần đầu trong số tháng 6 năm 1979 của Gunzo (một trong những tạp chí văn học có ảnh hưởng nhất ở Nhật Bản), và phát hành ở dạng sách vào tháng tiếp sau. Năm 1981, cuốn tiểu thuyết được đạo diễn người Nhật Kazuki Omori chuyển thể và phân phối bới Art Theater Guild. Cuốn tiểu thuyết được Alfred Birnbaum chuyển ngữ và xuất bản vào năm 1987.
Đây là cuốn đầu tiên trong chùm sách “Bộ ba Chuột”, theo sau là tiểu thuyết Pinball, 1973 và Cuộc săn cừu hoang, sau đó là phần kết thúc Nhảy nhảy nhảy (1988). Cả bốn cuốn đều đã được dịch sang tiếng Anh, nhưng Lắng nghe gió hát và Pinbal, 1973 (là những tiểu thuyết hiện thực, hơi khác với phong cách sau này của tác giả) không bao giờ được phân phối rộng rãi trong giới xuất bản Anh – Mỹ. Cả hai chỉ được xuất bản dưới dạng sách bỏ túi cỡ A6 tại Nhật Bản dưới nhánh Thư viện tiếng Anh Kodansha (dành cho người học tiếng Anh) của Kōdansha . Điều này là do Murakami xem hai cuốn tiểu thuyết là “tác phẩm từ thời kỳ non nớt của ông”. Một ấn bản tiếng Anh của hai cuốn tiểu thuyết này được phát hành dưới tựa đề Wind / Pinball tại Hoa Kỳ vào tháng 8/2015, với bản dịch của Giáo sư Ted Goossen thuộc Đại học York.
Chủ đề câu chuyện xoay quanh tình yêu và mất mát. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Murakami Haruki mà không mô tả trực tiếp cảnh quan hệ tình dục.
Sơ lược cốt truyện
Mười tám ngày của mùa hè năm hai mươi tuổi, đối với “tôi” là một kỳ nghỉ hè không sự kiện. Bất chấp những tối uống tràn ở quán Jay’s Bar cùng cậu bạn mang tên Chuột hay mối quen tình cờ với cô gái ở cửa hàng đĩa hát, thành phố quê hương ven biển mùa hè chỉ còn là gió trong “tôi”. Nhưng chuyển kể về gió, tiếng gió hát bên bờ biển, và cảm giác tuổi thanh xuân trôi qua như gió. Mười tám ngày ấy đã gói ghém cả quá khứ, hiện tại, tương lai cùng với hoang mang, mất mát và cô đơn…
Cuốn tiểu thuyết được kể bởi nhân vật “tôi” – một sinh viên không rõ tên đang theo học tại một trường đại học ở Tokyo – kể về 19 ngày mùa hè tháng 8 năm 1970 tại quê nhà bên bờ biển Niigata. Mùa xuân đó, một cô gái cậu từng hẹn hò tại trường đại học đã tự tử. Trong kỳ nghỉ hè, cậu thường xuyên đến quán bar của J cùng với người bạn thân “Chuột” và dành nhiều thời gian uống bia một cách ám ảnh. Một ngày nọ, anh ta bắt gặp một cô gái nằm trên sàn nhà trong phòng vệ sinh của quán bar và đưa cô về nhà. Cô gái ấy không có ngón út tay trái. Cậu tình cờ gặp cô gái trong cửa hàng băng đĩa nơi cô làm việc. Sau đó, cô bắt đầu gọi cho cậu và cả hai đã đi chơi cùng nhau vài lần. Trong khi đó, cậu bạn thân Chuột gặp rắc rối với một số phụ nữ, nhưng cậu không đề cập chi tiết. Một ngày nọ, cô gái không ngón út gặp nhân vật “tôi” tại một nhà hàng gần bến cảng. Tối hôm đó, tại căn hộ của cô, cô tiết lộ mình vừa phá thai. Rôi kỳ nghỉ kết thúc, cậu trở lại Tokyo. Khi cậu quay trở lại vào mùa đông, cô gái đã rời khỏi cửa hàng băng đĩa và căn hộ của mình. Nhân vật “tôi” hiện đã kết hôn và sống ở Tokyo. Chuột thì vẫn đang viết tiểu thuyết và gửi bản thảo của mình “tôi” vào mỗi dịp Giáng sinh.
Một số thông tin về nhà văn Murakami Haruki
Murakami Haruki (村上 春樹 (Thôn Thượng Xuân Thụ)sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949) là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến nay, hơn một phần tư thế kỷ hoạt động và viết lách, tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới, đồng thời trong nước ông là người luôn tồn tại ở tiền cảnh sân khấu văn học Nhật Bản. Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mĩ danh “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn bán chạy nhất”, “nhà văn của giới trẻ”.
Từ nhỏ, Murakami đã chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông lớn lên cùng với hàng loạt tác phẩm của các nhà văn Mỹ như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan, và sự ảnh hưởng của phương Tây chính là đặc điểm giúp mọi người phân biệt ông với những nhà văn Nhật khác. Văn học Nhật thường chú trọng đến vẻ đẹp ngôn từ, do đó có thể khiến cho khả năng diễn đạt bị giới hạn và trở nên cứng nhắc, trong khi phong cách của Murakami tương đối thoáng đạt và uyển chuyển.
Murakami học về nghệ thuật sân khấu tại Đại học Waseda, Tokyo. Ở đó, ông đã gặp được Yoko, người sau này là vợ ông. Ban đầu ông làm việc trong một cửa hàng băng đĩa, nơi mà một trong những nhân vật chính của ông trong tác phẩm Rừng Na Uy, Watanabe Toru, đã làm việc. Một thời gian ngắn trước khi hoàn thành việc học, Murakami mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz có tên “Peter Cat” tại Kokubunji, Tokyo, ông quản lý nó từ năm 1974 đến 1982. Nhiều tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh âm nhạc và nhan đề đề cũng nói đến một bản nhạc nào đó, gồm có Dance, Dance, Dance (của ban nhạc The Steve Miller), Rừng Na Uy của The Beatles)’ và Phía nam biên giới, phía tây mặt trời (ghép từ nhan đề một bài hát South of the Border và mượn ý lại của một bài hát khác East of the Sun).
II. Review sách Lắng Nghe Gió Hát
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Lắng Nghe Gió Hát của nhà văn Haruki Murakami. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé!
1. LONG NG review sách Lắng Nghe Gió Hát
Tình cờ đọc được một bài review “Lắng nghe gió hát”. Trong đấy người viết đại ý kết luận là, đặc trưng văn chương của Haruki Murakami là sự u ám, ảm đạm và nỗi buồn vô tận. Và ông chỉ việc cứ nhai đi nhai lại những thứ đó trong tất cả các tác phẩm của mình để vỗ về các fan hâm mộ cảnh vẻ trung thành, giữ vững ngôi vị bestseller, dễ như ăn kẹo (Wow!).
Đúng là cuộc sống đa dạng, suy nghĩ mỗi người trong chúng ta cũng thật khác nhau. Đối với riêng tôi, tinh thần chủ đạo trong văn chương Haruki Murakami lại là sự tươi sáng. Và tôi cho rằng mình đọc hết tất cả các tác phẩm của ông cũng là vì tinh thần này. Như là đi bộ dưới trời mưa bão, nhưng vẫn cười thật tươi và trong đầu thì nghĩ về cái chăn ấm trong phòng ngủ của mình vậy, bên ngoài ướt lạnh nhưng tâm hồn ấm áp. Tiểu thuyết của ông đã đem lại cảm giác này cho tôi.
Lúc nào tôi cũng biết ơn văn chương của ông, đã phần nào đồng hành cùng tôi đi từ tuổi 20 đến “30. Độ tuổi chưa có tất cả nhưng cũng không còn chơi vơi”. Tôi hoàn toàn cảm tính cho rằng, những ai nói Haruki Murakami u ám và buồn là những người không hiểu gì về tiểu thuyết của ông hoặc chỉ đọc ông qua review của.. những người (không hiểu gì) khác.
“Lắng nghe gió hát” là tiểu thuyết đầu tay nhưng đã mang đậm dấu-ấn-Haruki-Murakami quen thuộc mà ta vẫn say mê trong các tác phẩm sau này. Vẫn là thứ văn chương mang trong nó cả những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời/lối sống lẫn kiểu hài hước tỉnh khô thản nhiên có lúc khiến ta bật cười sằng sặc (Các đoạn ON/OFF AIR viết về nhân vật người phát thanh viên chương trình quà tặng âm nhạc trong cuốn này thực sự rất hấp dẫn, Haruki Murakami vẫn luôn vui tính như thế trong tác phẩm của mình).
Vẫn là những nhân vật lặng lẽ, ít bạn, đang trong độ tuổi 20 nhưng suy nghĩ lại có phần chắc chắn, thấu đáo hơn lứa tuổi. Vẫn là tình yêu dành cho tuổi trẻ mình đang có, sự trân trọng đối với từng giây phút mình đang sống trong cuộc đời. Tất cả, được ông biểu đạt trong một giọng văn đơn giản trôi chảy.
Giọng văn được tạo nên bởi bản sắc riêng và lối tư duy có chiều sâu của một người trí thức tập thể dục đều đặn – Có lẽ cũng chính là thứ tạo nên một dấu ấn Haruki Murakami thời thượng, không bao giờ cũ.
2. THIÊN TƯ review sách Lắng Nghe Gió Hát
Lắng nghe gió hát – Bản nhạc “vấp” của tuổi trẻ hoang dại hay ngôn từ của Gió.
Đây không phải là truyện ngắn, cũng chẳng phải tiểu thuyết.
Đây chỉ là một tập nhật kí. Lộn xộn và rời rạc.
Có bao nhiêu cách để thưởng thức một bản nhạc?
Vô số.
Trên xe bus, trong nhà vệ sinh, ở giường ngủ, khi đọc sách, hay khi vừa mới giật mình tỉnh dậy bởi tiếng chuông điện thoại thì MC của chương trình radio nào đó đã tống ngay vào tai bạn, khiến âm thanh đột ngột ứ đọng rồi vỡ tung trong từng nhịp cảm xúc.
Lắng nghe gió hát là bản nhạc của tuổi trẻ hoang dại.
Mười tám ngày của mùa hè, “tôi” hàng ngày đọc sách, hút thuốc, cùng Chuột uống bia ở một quầy bar nhỏ, nói vài chuyện vẩn vơ. Thi thoảng tạt qua hàng bán đĩa, bám vào mối duyên lỏng lẻo với cô gái có bàn tay bốn ngón, quyện vào nhau bằng hương vị cô độc và lạc lõng. Và đôi khi, quá khứ ùa về đẩy “tôi” vào hồi tưởng.
“Tôi” dường như đã kể hết cuộc đời mình, bằng những mẩu nhật kí vụn vặn và không có trật tự. Như một bản nhạc “vấp” bởi chính những vết xước ngắn dài mà tự bản thân nó mang lại. Khi đang say sưa vì giai đoạn tuyệt vời thì xoẹt, âm thanh đứt gẫy, không rõ là đoạn kí ức nào vừa rời ra khỏi mắt xích, nhưng chẳng hề gì, bản nhạc lại tiếp tục, và cứ thế. Đứt gẫy. Tiếp tục.
Không có cốt truyện, không có cao trào. Chỉ có những mẩu đối thoại hài hước và ngắn ngủi. Trẻ trung và sôi nổi. Như lần đầu của một cậu trai đôi mươi. Và lần đầu của Murakami, khi đặt nền móng cho tất cả “chất riêng” sau này.
“Này, cậu nghĩ rốt cuộc bọn con gái ăn gì để sống.?”
“Đế giày”
“Lẽ nào lại thế.”
Và vô số bản nhạc luồn lách trong tác phẩm, khiến trái tim “tôi” có lúc nhảy dựng lên vì cuồng nhiệt, lắng xuống vì đau khổ hay cảm giác rách toạc ra bởi những khát khao, đau đớn.
Mười tám ngày của mùa hè đột nhiên kết thúc. OFF. Cuộc đời “tôi” trôi rất nhanh về chục năm sau. Như một chiếc đĩa “vấp” mà không rõ phần bị đứt đoạn đó là gì. Ngoảnh lại, mùa hè của năm đó chỉ như một cơn gió. Không màu.
Xuyên suốt tác phẩm, nhân vật chẳng có nổi cái tên. Tất cả được miêu tả bằng hình ảnh, hành động, và những suy tưởng. Chúng ta, phải chăng đều là những con gió lang thang trong vũ trụ này, chạm đến từng ngõ ngách của cảm xúc nhưng lại chẳng thể ôm lấy chính mình. Đôi khi, gió quên mất mình đang ở đâu, tiến về phương nào, quá khứ ra sao. Chỉ có điều, dù ở bất kì đâu, gió vẫn không ngừng thổi.”
3. BACH TRAN QUANG review sách Lắng Nghe Gió Hát
Uhm, đây là một Murakami “ngày đầu”, sau khi đóng cửa CLB Jazz thì ngồi vào bàn viết tiểu thuyết. Có vẻ như ông cũng không quan tâm lắm, hoặc ko bgio đánh giá cao lắm đứa con tinh thần đầu tiên này của mình. Hình như mình nhớ không nhầm còn bảo nó chưa đủ khả năng để được xuất bản.
Cơ mà người đàn ông yêu voi, bàn là, giếng cạn và thích nói chuyện với mấy con mèo này đã khơi gợi cảm hứng cho không ít người khác từ bấy đến giờ (hơn 40 năm cầm bút). Mà nếu không có sự khởi đầu như Lắng Nghe Gió Hát thì không bgio có được thời điểm như ngày hôm nay.
Mình luôn thích đọc tác phẩm đầu tay của bất cứ một tác giả thành danh nào, đó là tấm gương chiếu không thể dối lừa về một bản thể là họ – chân – thật – nhất. Những tác phẩm sau này, khi có sự tôi luyện, có sự trau dồi và có sự trải, và khôn khéo quá, thì đôi khi lại có mùi gì đó dối trá.
Mình không nói Murakami dối trá. Mình cũng sẽ không chỉ ra ai dối trá.
Nhưng đọc Gió hát, đọc Pinball, đọc sang Cừu Hoang, rồi Nhảy. Hây, thật thú vị khi xem một người ta trưởng thành.
4. LÊ AN review sách Lắng Nghe Gió Hát
Đôi khi mình nghĩ phải viết thật nhiều bình luận về cuốn này nhưng rồi đến khi lại chẳng biết viết gì. 29 tuổi Haruki mới viết cuốn đầu tiên của mình vì như ổng đã nói là vì trước đó ông chẳng có gì để viết. Ông dành thời gian để trải nghiệm, để sống thật tình rồi thì ổng đã có tác phẩm này. Theo mình thì cuốn này ổng viết những câu chuyện tưởng chừng rời rạc nhưng lại giống một cuốn nhật kí về những chuyện xoay quanh mình về tuổi trẻ, về tình yêu, tình bạn, về những triết lý cuộc sống mà có chút buồn cười, tếu táo. Đôi khi mình nghĩ lại mình thời sinh viên tuổi 21 của mình cũng từng có những chuyện trên trời dưới đất. Cảm ơn Haruki nhiều!
Hình thức sách ngắn gọn, bìa rất đẹp, dịch cũng hay, dí dỏm, 5*!
5. NGUYỄN LINH review sách Lắng Nghe Gió Hát
Lắng nghe gió hát – Haruki_Murakami
Mình đã định sẽ không quay lại đọc sách của Haruki Murakami nữa.
Mình đã định sẽ kết thúc sự mê man với những con chữ của Murakami với Phía Nam biên giới, phía tây mặt trời, một kết thúc có lẽ là thật đẹp, một dấu chấm thật duyên dáng kết thúc một quá trình thật dài bắt đầu từ những năm 17 tuổi với Rừng Na Uy.
Một quá trình mà với nhiều người đó là cả một thanh xuân, với một số người khác đó là một phần của tuổi trẻ, với nhiều người đó chỉ là khởi đầu của một con người trưởng thành.
Gấp sách lại, lãng quên đi sự mơ hồ, hoang mang của tuổi trẻ, những giây phút cảm giác như cái tôi đang đơn độc với vô số cái ta khác nhau của cuộc đời. Kết thúc, không lưu luyến vấn vương hững đêm nằm miên man bên Biên niên ký, thả hồn với Kafka bên bờ biển.
Mình khước từ những cuốn sách tiếp theo đó, mình bỏ mặc tất cả những cuốn sách khác, trong hành lý mang theo chỉ có Rừng Na Uy và Phía Nam biên giới, một mở đầu, một kết thúc, với mình, thế là đủ.
Nhưng, ngay cả khi mình đã đoạn tuyệt với Murakami, thì những cuốn sách của ông cũng không ngừng theo đuổi, khi, vào trong những lúc mà mình thèm muốn đọc một cuốn sách, một cuốn sách đủ để hấp dẫn bản thân tạm quên đi, dù chỉ một chút, những cảm xúc hiện tại, mình lại muốn đọc một cuốn sách của Murakami, cuốn nào cũng được, bởi có quá nhiều cuốn mới ra mình chưa hề đọc.
Vậy là mình đã đọc Lắng nghe gió hát, một cuốn sách đầu tay của Haruki Murakami, một cuốn sách đủ quyến rũ để ta bắt đầu bước lại thế giới của ông, y như cách ta đã bước ra khỏi nó.
Lắng nghe gió hát là một cuốn sách dễ đọc, những câu chuyện tiếp nối nhau, những nhân vật xuất hiện, những tình tiết ở đâu đó hiện lên vào một lúc nào đó như cách hiển nhiên nó ở đây. Đọc, ta có cảm giác như một người đi trên con đường quen thuộc, mà ngay cả khi không thể nhìn thấy con đường phía trước, ta vẫn có thể hình dung sẽ gặp phải một cái hố hay một cái mô cao.
Nhưng có lẽ, chính vì đã quá quen với những gì đang diễn ra, ta lại có thể thong thả cảm nhận từng chút cái đẹp của ngôn từ và lắng nghe chính cảm xúc của bản thân mình. Ta có thể hiểu rõ từng câu chữ trong cuốn sách, trái tim ta đập nhanh ra sao với mỗi cao trào, lắng nghe gió hát, hay ta đang lắng nghe chính âm thanh từ tâm hồn tuổi trẻ của mình đang hát những tiếng êm dịu theo làn gió từ cuốn sách nhỏ.
Một cuốn sách đủ ngắn, đọc đến trang cuối cùng và ngạc nhiên: cuốn sách, chỉ ngắn có vậy thôi sao, vì vẫn chưa đọc đủ, đồng hồ mới chỉ điểm hơn 23h, và hình như mình đã dự định để cả đêm để thức cùng Haruki Murakami, môt lần nữa!
6. LƯU LY review sách Lắng Nghe Gió Hát
Haruki Murakami là một cái tên đã quá nổi tiếng và quen thuộc với những quyển sách đình đám như: Rừng Na Uy, Kafka Bên Bờ Biển, 1Q84,… và nếu bạn đang muốn tìm một phong cách khác với những tác phẩm kể trên thì Lắng Nghe Gió Hát chính là một tác phẩm dành cho bạn. Đối với những ai không biết thì Lắng Nghe Gió Hát là tác phẩm đầu tay của Haruki Murakami có lẽ bởi vậy mà các yếu tố tình dục không được ông kể nhiều như các tác phảm sau đó.
Nội dung chuyện xoay quanh một nhân vật là Chẳng-Có-Gì-Để-Kể và Chẳng-Có-Gì-Đặc-Biệt, ấy vậy mà tác giả lại lồng ghép khiến cho người ta cuốn hút vào cuộc đời của nhân vật ấy đến lạ, về những cô bạn gái xung quanh chàng trai chẳng có gì lạ kia. Qua đó ông đề cập đến một vấn nạn tự tử, đánh mất niềm tin cuộc sống, lạc lõng bơ vơ không định hướng trong tiếng nhạc Rock điên loạn thập niên 70 cùng hàng loạt các bài hát nổi tiếng được tác giả kể tên như Spirti in the sky, Hey there lonely girl…
Cuốn sách amng đến một cảm giác ám ảnh lạ thường với tôi, bởi những câu nói nghe qua có vẻ vô nghĩa như khi nghĩ kĩ ta lại thấy bên trong chất chứa một điều giấu kín mà người đọc phải tự tìm hiểu:
- Cậu học chuyên ngành gì?
- Sinh vật học ạ.
- Ồ, cậu thích động vật à?
- Tất nhiên.
- Thích ở điểm nào?
- Chắc là vì chúng không cười.
- Ồ động vật không cười à?
- Chó và ngựa có cười một chút.
- Ồ, ồ cười lúc nào?
- Lúc vui.
- Vậy thì..hức…Có danh hài chó cũng là chuyện bình thường nhỉ?
- Có khi là anh đấy.
- Ha ha ha ha.
Hãy đọc thử và cảm nhận nó theo cách riêng mình dù bạn nghĩ nó hay hay không bởi “Thứ gọi là văn chương hoàn hảo không tồn tại. Giống như không tồn tại thứ tuyệt vọng hoàn hảo vậy.”
7. TRANG HÀ review sách Lắng Nghe Gió Hát
Điều đầu tiên khiến tôi ấn tượng với quyển sách này chính là bìa và chất giấy. Sau đó đến giọng văn độc lạ của Murakami :
“Thứ mà tôi có thể viết ra ở đây chỉ là một danh sách. Không phải tiểu thuyết hay văn chương, cũng không phải nghệ thuật. Chỉ là cuốn sổ với đường kẻ ở chính giữa mà thôi. Và có lẽ là thêm đôi chút giáo huấn ở đâu đó.”
Đây là một cuốn nhật kí của nhân vật “tôi” được viết trong 18 ngày của kì nghỉ hè ở thành phố Yamanote. Với cách viết lộn xộn, không theo tuần tự, Murakami đem lại cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau, khi thì tẻ ngắt, khi thì thú vị. Những nhận định hay ho về văn chương được ông trích dẫn một cách khéo léo vào trong quyển sách. Những cảm xúc trần trụi mà ông mang lại khi viết về tình yêu lứa đôi. Tình bạn đẹp giữa “tôi” và Chuột và sự bế tắc của tuổi trẻ. Cùng nhiều mẩu chuyện rời rạc khác cũng được đọc bởi tôi một cách rời rạc.
III. Trích dẫn sách Lắng Nghe Gió Hát
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trích dẫn hay trong Lắng Nghe Gió Hát
“Khi ở trong ánh sáng ban ngày thì sao có thể biết được độ sâu của bóng đêm?”
“Không tồn tại một tác phẩm hoàn hảo đến tuyệt đối, cũng như không tồn tại một nỗi tuyệt vọng nào đến cùng cực.”
“Nói dối là một việc rất đáng ghét. Có thể nói, dối trá và im lặng là hai tội ác khủng khiếp đang hoành hành tràn lan trong xã hội con người hiện đại. Thực tế chúng ta rất hay nói dối, và liên tục im lặng. Tuy nhiên, nếu chúng ta nói quanh năm, và giả sử chỉ nói toàn sự thât, thì có lẽ giá trị của sự thật cũng sẽ chẳng còn.”
“Đọc sách cũng chỉ khiến ta trở nên cô độc thôi.”
“Anh có hạnh phúc không? Nếu được hỏi vậy tôi chỉ có thể trả lời, “Dĩ Nhiên”. Vì thứ được gọi là ước mơ cuối cùng cũng chỉ là mơ ước.”
“Có một giai đoạn khi mọi người đều nghĩ đến cách sống khép kín lạnh lùng. Cuối cấp ba, tôi quyết định sẽ chỉ nói phân nửa những gì mình nghĩ trong lòng. Tôi quên mất vì lý do gì, nhưng tôi đã thực hiện ý định đó suốt mấy năm trời. Rồi một ngày, tôi nhận ra mình đã trở thành loại người chỉ có thể nói ra một nửa những gì mình nghĩ.”
“Thứ mà tôi có thể viết ra ở đây chỉ là một danh sách. Không phải tiểu thuyết hay văn chương, cũng không phải nghệ thuật. Chỉ là cuốn sổ với đường kẻ ở chính giữa mà thôi. Và có lẽ là thêm đôi chút giáo huấn ở đâu đó.”
“Tớ yêu bầu trời. Bởi nhiều khi ngắm mãi không biết chán, nhưng rồi đến lúc chán thì chỉ cần không ngẩng mặt lên là xong.”
“Không có câu văn hoàn hảo. Cũng như chẳng có nỗi tuyệt vọng hoàn toàn.”
“Kẻ ác tâm sẽ chỉ gặp toàn ác mộng. Nếu tâm càng thêm ác độc, đến giấc mơ cũng chẳng còn.”
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trích đoạn đầu cuốn sách Lắng Nghe Gió Hát
“Không có câu văn hoàn hảo. Cũng như chẳng có nỗi tuyệt vọng hoàn toàn.”
Một nhà văn tôi tình cờ quen biết khi còn học đại học đã nói với tôi câu này. Phải rất lâu sau đó tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu nói. Nhưng ít ra, tôi đã xem nó như những lời an ủi.
Tuy vậy tôi luôn thấy nỗi tuyệt vọng cồn cào mỗi lúc định viết một điều gì. Bởi phạm vi những gì tôi có thể viết rất giới hạn. Nói như, tôi có thể viết về voi, nhưng có lẽ sẽ chẳng biết viết gì về người huấn luyện voi. Đại loại là vậy.
Tôi mắc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan đó mãi suốt tám năm trời. Tám năm. Đó là một quãng thời gian dài.
Miễn có thái độ ham học hỏi từ mọi điều, thì việc già đi hẳn cũng chẳng đau khổ mấy. Mọi người vẫn thường nghĩ thế.
Từ khi bước qua ngưỡng tuổi hai mươi, tôi cố duy trì triết lý sống đó. Kết quả là, vài lần bị đấm, bị lừa dối, bị hiểu lầm, và đồng thời có được những trải nghiệm lạ kỳ. Nhiều loại người tìm đến tôi tâm sự, bước ngang qua tôi bằng những bước chân gây buốt nhói như thể đang đi qua một cây cầu, rồi không bao giờ quay trở lại. Suốt quãng thời gian đó, tôi ngậm miệng, chẳng nói lấy một lời. Đó là cái cách tôi nhớ đến những năm cuối tuổi hai mươi của mình.
Giờ đây tôi đã sẵn sàng để kể về nó.
Vẫn chưa có bất kỳ vấn đề nào được giải quyết, và có lẽ vẫn sẽ nguyên như thế khi câu chuyện này kết thúc. Rốt lại, viết không phải phương cách để tự chữa lành chính mình, mà chẳng hơn gì ngoài những cố gắng nhỏ nhoi trong nỗ lực tự chữa lành đó.
Tuy vậy, thật khó khăn để có thể kể hết sự thật. Tôi càng cố gắng thành thật, những câu từ chính xác lại càng lặn sâu hơn vào trong bóng tối.
Tôi không có ý biện hộ. Ít ra, điều tôi kể ra đây là những gì chắt lọc nhất tồn tại trong tôi lúc này. Không thêm bớt điều gì. Dù vậy, tôi cũng đã nghĩ thế này. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, thì tương lai có lẽ tôi sẽ có thể tìm thấy một tôi đã được chữa lành, sau mấy năm hay mấy chục năm không biết nữa. Lúc đó những con voi sẽ lại quay về đồng cỏ, và có lẽ tôi sẽ bắt đầu kể về thế giới này với những ngôn từ đẹp đẽ hơn nhiều.
†
Tôi đã học rất nhiều từ Derek Heartfield về những câu văn. Lẽ ra tôi phải nói rằng hầu như tất cả tôi đều học được từ ông. Đáng tiếc, Heartfield là một nhà văn thất bại. Nếu đã đọc tác phẩm của ông, hẳn bạn sẽ hiểu. Câu văn khó hiểu, cốt truyện rối rắm, và chủ đề ấu trĩ. Tuy nhiên ông là một trong số ít nhà văn vĩ đại có khả năng đấu tranh bằng cách biến ngôn từ thành vũ khí. Tôi nghĩ, nếu so sánh với những nhà văn cùng thời như Hemingway và Fitzgerald, phong cách chủ nghĩa tiền vệ của Heartfield hoàn toàn không hề thua kém. Đáng tiếc, đến cuối đời Heartfield cũng chẳng thể xác định rõ đối thủ mình chiến đấu là ai. Cuối cùng, ông thất bại.
Ông đã tiếp tục cuộc chiến thảm bại của mình suốt tám năm hai tháng trước khi tìm đến cái chết. Vào một sáng Chúa nhật trong lành của tháng Sáu năm 1938, ông nhảy từ đỉnh tòa nhà Empire State với chân dung Hitler ôm trong tay phải và chiếc ô mở bung bên tay trái. Không khác gì lúc sống, cái chết của ông cũng chẳng phải chuyện gì hệ trọng.
Quyển sách đầu tiên của Heartfield – chưa từng được tái bản – tôi có được lần đầu là vào một mùa hè oi bức khi đang học lớp 9, chính xác lúc đó tôi đang đau đớn với căn bệnh da liễu trầm trọng ngay vùng bẹn. Ba năm sau khi cho tôi quyển sách đó, cậu tôi mắc bệnh ung thư ruột, cả người như bị cắt lát. Với dây nhợ chèn đặc những lỗ ra và vào trên người, ông mất trong đau đớn. Lần cuối tôi gặp ông, cơ thể ông nhăn nhúm có màu đỏ bầm, trông như một con khỉ tinh quái.
†
Tôi có ba ông cậu, một người chết ở ngoại ô Thượng Hải. Ông mất vì giẫm phải địa lôi do chính mình cài hai ngày sau khi chiến tranh kết thúc. Ông cậu thứ ba, người duy nhất còn sót lại, trở thành ảo thuật gia và đi biểu diễn quanh các suối nước nóng khắp nước.
Heartfield từng viết về một câu văn hay như sau. “Viết văn không khác gì việc xác định khoảng cách giữa bản thân với mọi điều quanh mình. Do đó, điều cần thiết không phải cảm xúc mà là thước đo.” (What’s So Bad About Feeling Good? 1936)
Vào năm tổng thống Kennedy mất, tôi bắt đầu rụt rè trải tầm nhìn ra quanh mình với chiếc thước đo bên tay. Kể từ đó, đã mười lăm năm trôi qua. Trong mười lăm năm, tôi thật sự đã vứt bỏ tất cả mọi điều. Chẳng khác gì chiếc máy bay hỏng máy, hàng hóa trong ca-bin bị vứt đi để giảm tải, kế đó là ghế ngồi, và cuối cùng là nữ tiếp viên xinh đẹp. Suốt mười lăm năm tôi đã vứt tất cả mọi thứ tồn tại trong tôi, và đổi lại nơi đó là một sự trống rỗng.
Tôi không chắc hành động đó là đúng hay sai. Dù thật sự cảm thấy nhẹ nhõm hơn, tôi sợ hãi khi nghĩ đến những gì còn sót lại nơi mình khi tuổi già và cái chết đón đợi. Có lẽ đến một mẫu xương cũng chẳng còn sau khi tôi được hỏa thiêu.
“Kẻ ác tâm sẽ chỉ gặp toàn ác mộng. Nếu tâm càng thêm ác độc, đến giấc mơ cũng chẳng còn.” Bà ngoại quá cố của tôi luôn nói vậy.
Vào đêm ngoại mất, điều đầu tiên tôi làm là đưa tay chậm rãi vuốt mắt bà nhắm lại. Ngay lúc đó, cơn mộng bà mãi ôm ấp suốt bảy mươi chín năm trời cũng dần tan biến như cơn mưa mùa hạ oi nồng rơi trên con đường rải nhựa. Sau đó, chẳng còn gì sót lại.
Một lần nữa tôi sẽ viết về việc viết. Lần cuối cùng.
Với tôi, viết là một việc đau khổ. Tôi đã từng không viết dòng nào suốt một tháng trời. Tôi cũng đã từng viết mê mãi suốt ba ngày ba đêm, nhưng đến cuối mọi câu chữ đều hóa ra vô nghĩa.
Dù vậy, viết cũng là một điều hạnh phúc. Vì việc gán nghĩa cho những câu từ có lẽ là dễ dàng hơn so với những khó khăn phải sống.
Tôi hiểu ra thực tế đó khi mới mười mấy tuổi. Lúc đó, tôi đã hốt hoảng đến nỗi không thể mở miệng nói câu nào suốt một tuần liền. Giả có thái độ thông minh hơn một chút thôi, tôi đã có thể xếp đặt thế giới theo ý mình, mọi thứ giá trị sẽ đổi thay, và cả thời gian cũng sẽ chuyển dòng… Tôi có cảm giác như vậy.
Đáng tiếc, tôi chỉ nhận ra đó là cái bẫy khi thời gian trôi đã đủ lâu. Tôi gạch một đường kẻ chia đôi quyển sổ của mình, phía trái ghi ra tất cả những gì tôi có được vào thời điểm đó, trong khi phía phải tôi ghi tất cả những điều mình đã mất. Những thứ đã biến mất, những thứ tôi đã chà đạp, những thứ tôi chỉ vậy mà vứt bỏ, những thứ tôi đã hy sinh, những thứ tôi đã phản bội… tôi đã chẳng thể ghi ra tất cả cho đến hết.
Có một khe vực thẳm sâu chia cách giữa điều chúng ta cố gắng thấu hiểu và điều chúng ta thực tế thấu hiểu. Không cần biết thước đo ta mang theo dài đến đâu, chúng ta cũng không thể đo được độ sâu của nó. Điều tôi có thể viết ra đây đơn thuần chỉ là một danh sách. Không phải tiểu thuyết, chẳng phải văn chương, cũng không là nghệ thuật. Chỉ là một chương ghi chép với đường kẻ chia đôi trang giấy. Trong khi đó, thông điệp nó chứa đựng có lẽ là rất ít.
Nếu hứng thú với nghệ thuật hay văn chương, tốt hơn bạn nên đọc các tác phẩm của người Hy Lạp. Vì hệ thống nô dịch rất cần thiết để tạo ra nghệ thuật chân chính. Đó là điều đã diễn ra vào thời Hy Lạp cổ, người nô lệ đóng thuế ruộng đất, chế biến thức ăn, chèo thuyền, trong khi những thị dân đắm mình trong việc sáng tác thơ ca dưới ánh dương Địa Trung Hải và chắp nối những con tính. Đó được gọi là nghệ thuật.
Những câu văn tôi có thể viết chỉ giới hạn đến đó, chẳng khác gì một người chà rửa tủ lạnh trong bếp vào lúc 03.00 sớm. Vậy đấy, người đó chính là tôi.
….
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!