Thể loại | Truyện dài |
Tác giả | Nguyễn Nhật Ánh |
NXB | NXB Trẻ |
CTy Phát Hành | NXB Trẻ |
Số trang | 280 |
Ngày xuất bản | 12-2018 |
Giá bán | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Hoa Hồng Xứ Khác
Trong truyện “Hoa hồng xứ khác” Ngữ, Khoa và Hòa lé đều say mê cô bạn cùng lớp Gia Khanh. Cái cô gái bị ba người cùng theo đó sẽ phải làm sao. Ba anh chàng làm gì để “chiến thắng”. Điều lý thú là gần như tác giả tái hiện lại thời học trò của mình với ngôn ngữ thời bây giờ nên các bạn đọc trẻ sẽ tìm thấy hình bóng của chính mình trong đó.
“Hoa hồng xứ khác”, lại là một tác phẩm về tuổi học trò của Nguyễn Nhật Ánh. Tình yêu tuổi học trò được diễn đạt khá là đặc sắc bằng giọng văn hài hước của ông. Truyện thật sự đáng để xuất hiện trên giá sách của những chàng trai, cô gái mới lớn và càng không thể thiếu với những ai yêu thích Nguyễn Nhật Ánh. Các bạn hãy đọc và sống lại cùng với tuổi thơ nhé.
II. Review sách Hoa Hồng Xứ Khác
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Hoa Hồng Xứ Khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách và không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi và cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. DIN DIN review sách Hoa Hồng Xứ Khác
[Review này có thể làm bạn biết phần nào của truyện, vui lòng chỉ đọc review này khi bạn đã đọc qua truyện và không phàn nàn về việc biết trước cái kêt]
Một câu chuyện buồn, đáng lẽ nó sẽ thật sự buồn, nhưng với mình thì nó lại gắn vài kỉ niệm làm cho nó trở nên buồn CƯỜI…
Mở đầu truyện đã có chút gì đó quen thuộc, nhưng cũng rất lạ. Lạ ở nhân vật nam chính Khoa quá sợ phụ nữ, một điểm khá đặc biệt trong truyện Nguyễn Nhật Ánh. Vì truyện của bác thì các nam chính thường nhát gái hơn là sợ đến mức hận như anh này. Quen thuộc khi truyện tiếp tục mô típ thanh xuân vườn trường. =)) Những chuỗi ngày sinh viên của ba anh chàng Khoa, Ngữ và Hòa lé theo đuổi mù quáng cô nàng Gia Khanh da bezttt.
Tôi không thích Gia Khanh. Không thích một chút nào. Tôi ghét luôn cả Hồng Chà Và.
Tôi thương những nam chính trong truyện, thương, nhưng là thương hại thì đúng hơn. Nhất là nhân vật Khoa, chân thành, cố gắng bao nhiêu nhưng cuối cùng chẳng nhận lại gì. À mà không, cả 3 người đều không giành được gì sau những trận chiến theo đuổi tán tình nàng khanh
Gia Khanh làm tôi bất mãn vào tình yêu, khi nàng cứ dửng dưng cố tình với tình cảm của 3 người kia trong khi đã có bạn trai. Tôi cứ ác cảm với kiểu con gái quá tốt quá thân thiện như vậy.
Tôi đã nghĩ nó là một cái kết thật đẹp khi đọc tới gần chương cuối. Khoa lên đường, ngỡ là sẽ có một buổi hẹn hò cùng Gia Khanh thật lãng mạn. Chàng mang theo đồng hồ, áo sơ mi… của nhưng người bạn mình. Chàng không mang gì của mình theo, ngoại trừ con tim đang nhảy tưng tưng trong lồng ngực ca hát. Đấy, tôi đọc tới đây thì hết truyện. Cũng chỉ vì đọc ebook chưa kịp cập nhật. Mấy năm sau, bạn tôi bàn lại, tôi mới biết cái kết không phải như thế. Tìm đọc lại mới biết, Gia Khanh đã có bạn trai rồi, đến gặp Khoa như một lời từ chối mà thôi.
Hai cái kết cách xa nhau tạo cho tôi một bất ngờ làm tôi ấn tượng cuốn sách này hơn cả. Mặc dù có lẽ nó không được như thế. Vậy nên, tôit hấy nó buồn cười hơn là buồn thảm.
Dù sao thì, bác Ánh đã tiếp tục viết thêm một chương mới cho Khoa trong Những cô em gái.
Ờ… Mặc dù nó cũng chẳng tươi đẹp là mấy.
2. NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG GIANG review sách Hoa Hồng Xứ Khác
Một tác phẩm về học trò hấp dẫn của bác Ánh không thể bỏ qua
Vẫn là câu chuyện về tình yêu đơn phương của các cậu bé học trò, nhưng ở “Hoa Hồng Xứ Khác”, ta không thể nào nhầm lẫn so với các tác phẩm trước của bác Ánh. Những nhân vật học trò như Khoa, Hòa “lé”, “giáo sư” Bá hay Hồng “chà và” đều mang nhiều màu sắc riêng đậm chất học trò “nhất quỷ nhì ma”. Đọc truyện mà tôi cười muốn vỡ bụng bởi những trò rắn mắt của mấy cậu học trò, rồi thì lại bày đặt tập tành làm “thi sĩ” để tán tỉnh bạn gái xinh xắn nhất lớp. Người này làm thơ, kẻ kia lại quyết không chịu thua mà lại làm theo một bài khác. Rồi những tình huống oái oăm, dở khóc dở cười xảy ra như cơm bữa trong lớp bởi những trò tinh quái của các cậu chàng.
Những nhân vật trong truyện như sự hiện diện của một tập thể lớp học bên ngoài: Có cậu hiền lành nhút nhát. Có cậu quậy phá, nghịch ngợm, nhí nhố. Có cậu nhí nhảnh. Có cả cô bé ngoan hiền xinh xắn nhất lớp, và cả “bà chằn lửa” khiến đám con trai chạy co giò hay quíu hết người khi nhắc tên hay “bị” ghép đôi.
Mỗi trang sách trong quyển truyện như cỗ máy thời gian đưa tôi quay ngược trở về với tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng một thời của mình. Để rồi nhìn lại, cảm thấy tiếc nuối vô cùng vì đã qua rồi những tháng ngày đó. Một tác phẩm về học trò hấp dẫn của bác Ánh không thể bỏ qua
3. YẾN review sách Hoa Hồng Xứ Khác
Về những chuyên gia tư vấn tình cảm “BẬC THẦY”
Các bạn đôi khi sẽ thấy buồn cười vì mình thường có những người bạn bè hay anh chị em thường tư vấn, khuyên nhắc tình cảm thường là những người đang “ế” và đặc biệt là trước đó người ta đã từng bị “gãy” trong tình yêu rồi. Dĩ nhiên, chuyện đó không chỉ mới xuất hiện như chúng ta đã thấy mà điều đó dường như trở thành thói quen mòn của các bạn khi yêu.
Sau khi thất bại trong tình cảm, chúng ta thường rút ra một hay vài điều kinh nghiệm gì đó cho chuyện tình cảm của mình và rồi đánh đồng cho các trường hợp khác của bạn bè xung quanh; và còn phía bên bạn bè đang rơi vào bế tắc thì khó nhìn thấy giải pháp như những người bên ngoài, điềm tĩnh và có cách nhìn tổng quan hơn từ đó người nghe sẽ tư vấn ngược lại…thế là tự nhiên thành Chuyên gia tình cảm.
Những điều này xảy ra thường xuyên và tất nhiên nó không thể thiếu trong tác phẩm của tác giả chuyên viết về tuổi học trò là Nguyễn Nhật Ánh. Đó là câu chuyện HOA HỒNG XỨ KHÁC thuộc trong chuỗi tác phẩm đầu tay của ông.
Câu chuyện bắt đầu từ Khoa (một học sinh cấp ba) có những quá khứ kinh hoàng về hình tượng con gái và thế là anh chàng quyết định tu tâm dưỡng tính, toàn tâm thỉnh chân kinh; thế mà chuyện gì đến cũng đến, Tam Tạng còn bị tác động trong Nữ Nhi Quốc thì huống chi anh chàng Khoa này sao lại “mặt sắt” trước “hoa hồng đến từ phương xa”…tình tiết gây cười khi cả đám bạn thân cùng ganh đua nhau để đánh đổ “hồng nhan” đấy; riêng anh chàng Tam Tạng này thì lại âm thầm cởi bỏ cà sa, lẳng lặng gia nhập hồng trần.
Đây là một câu chuyện đặc sắc khi tác giả liên tục đưa hình ảnh của người phụ nữ từ cổ chí kim vào tác phẩm cùng với những vần thơ do chính ông sáng tác. Nếu các bạn là một người yêu thích Nguyễn Nhật Ánh mà chưa xem qua tác phẩm này thì chưa thưởng thức hết được tài làm thơ phong phú, đặc sắc và đầy trữ tình của ông.
4. HẢI YẾN review sách Hoa Hồng Xứ Khác
Đọc truyện này làm ta nhớ về thời học sinh còn ngây ngô thơ dại đôi lúc làm ta bật cười vì sự ngô nghê đó. Nói về bốn người bạn Khoa, Ngữ, Hòa, Nghị cùng thích cô bé Gia Khanh mỗi người có một cách khác nhau để chinh phục cô bé xinh xắn này.
Rồi những trò ngây ngô mà chỉ thời học sinh mới có thể nghĩ ra khi đọc chắc hẳn các bạn cũng thấy đâu đó có bản thân mình. Nhiều đoạn đọc mà thấy buồn cười lắm luôn ý. Nguyễn Nhật Ánh thật biết cách viết làm người đọc như thấy chính mình trong đó vì vậy ông viết truyện cho cả người lớn lẫn trẻ con. Nên tôi thích đọc truyện của ông lắm truyện nào cũng hay. Cuốn “Hoa hồng xứ khác” cũng không ngoại lệ các bạn nên đọc thử xem hay lắm đó.
5. NGUYỄN NGỌC SƠN review sách Hoa Hồng Xứ Khác
Vẫn là cách đặt tên đầy ẩn ý mà chỉ khi đọc tới những trang cuối cùng mới có thể hiểu được. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh một lần nữa viết lên một câu chuyện hồn nhiên ngây thơ, những tình cảm mới lớn rất giản dị chân thành.
Bốn trong năm cậu học trò ngô nghê tranh giành “sao chổi Halley” (theo cách gọi ví von của tác giả) theo nhiều cách khác nhau, thâm chí chơi khăm nhau. Ngay cả “Tam Tạng” cũng bị đổ gục” bởi đóa hồng này. Cuối cùng tất cả đều nhận ra sự thật không mấy làm vui, hoa hồng kia, dù rất đẹp, rất thơm, chỉ là một “Hoa Hồng Xứ Khác”.
Với những tình huống đa dạng, hài hước nhưng cũng thoáng buồn, kết hợp rất nhiều “triết lý thơ ca” hay, theo mình đây xứng đáng là một trong 10 tác phẩm hay nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Phần sau của tập truyện này là “Những Cô Em Gái” cũng rất tuyệt vời, mọi người nên sắm cả hai cuốn cùng lúc nhé!
6. THẮNG review sách Hoa Hồng Xứ Khác
Nguyễn Nhật Ánh vẽ lên nhân vật của mình giỏi cực. 5 thằng con trai, đứa giỏi ca , đứa nhà giàu, đứa làm thơ, đứa bác học, đứa giỏi họa. Bốn trong năm đứa, theo đuổi nhận vật “công chúa”-like Gia Khanh, người cặp kè bởi nhân vật “tương đối phản diện”- Hồng chà và. Với cái tài diễn tả cảm xúc nhân vật hết sức dễ thương của mình, mình đọc như mà như nghiện thuốc, không dứt ra được.
Hồi xưa, tình cảm nó thuần khiết và đẹp ghê. Tình cảm trai gái của Khoa và Khanh, tình bạn của 5 đứa con trai, ơn nghĩa xa tít của mẹ Hồng và Khoa. Mấy cái thứ đó sao bây giờ mình thấy khác ráo rọi, mình chưa bao giờ trải qua hết chơn. Hồi đi học, cảm xúc của nhóm bạn tụi mình nó không nặng trĩu, mà trái lại thì chênh vênh, rời rạc theo một kiểu gì đó hiện đại, tầm thường. Nó đa sắc, nhưng thiếu nhiều mảng màu nóng, chủ yếu bức tranh cấp 3 như được chêm vô ba thứ ghen ghét, kỵ nạnh, tự ái, ba thứ trần phàm, nhìn trông hết sức nhạt nhẽo, tệ hại.
Nhớ mang máng hồi nào đọc được truyện Mắc biếc, lâu rồi nhớ là có cảm giác buồn lắm. Bởi vậy mình mừng là truyện có kết thúc tốt đẹp, không như ý, nhưng tốt đẹp. Kindle của mình down trọn bộ Nguyễn Nhật Ánh rồi, dự là năm nay sẽ xong hết sạch boong sách của NNA cho nó ngầu.
Đoạn ưa thích: “Trưa đó, tôi về nhà trên đôi chân sáo. Tôi không cảm thấy mặt đất dưới chân tôi. Tôi đang bay. Tôi lơ lửng trôi qua những của hiệu và cột đèn. Tôi suýt đâm sầm vào bánh xe ô tô mười sáu lần cả thảy. Tôi hát vang trên đường, bất chấp ánh mắt kinh dị của những người chung quanh. Hôm đó, quả thật tôi gặp hên, nếu không cảnh sát đã tống cổ tôi vào nhà thường điên.”
( Mềnh có cảm giác này một lần rồi nhaaa. Crush ai đó thiệt là điên dại :> )
7. CHANG review sách Hoa Hồng Xứ Khác
Có những cuốn sách như của để dành, chỉ cần mở ra đọc là hoàn toàn yên tâm rằng niềm vui những ngày xưa vẫn vẹn nguyên và phập phồng trong đó, rằng qua bao góc cạnh của vòng giao đãi cuộc đời, sự hứng khởi và ngạc nhiên khi đọc về những ngày tháng cắp sách đến trường vẫn không nhạt phai đi mấy.
“Hoa hồng xứ khác”, với cài bìa màu vàng nguyên sơ của nó, là nơi cả một khoảng trời tuổi thơ được náu mình. Có thể nói, đó là một trong những cái-chạm đầu tiên của tôi với văn chương Nguyễn Nhật Ánh, cũng là khởi đầu cho những háo hức và thiết tha dành cho tất cả những tác phẩm sau này của ông.
Lục lại trong nhà kho của ký ức, tìm đọc lại cuốn sách, tôi vẫn thấy mình rủn rỉn vui. Nguyễn Nhật Ánh chỉ quét qua một khoảnh thời gian của tuổi trẻ thôi mà đã lưu lại trong tâm khảm người đọc một vệt loang kỷ niệm thật dài. Nơi đó có bạn bè cùng niềm vui những ngày cắp sách, có tình cảm tuổi mười tám đôi mươi tuy có phần ngốc xít nhưng lại vô cùng đáng yêu, có Hồng “chà và” và Gia Khanh khiến anh chàng “lâu nay vốn ghét con gái” bỗng thấy tim mình nhảy tưng tưng trong lồng ngực (dù rằng cảm xúc dành cho 2 nhân vật là ở 2 diễn biến khác nhau :v), có “cuộc chiến tranh” giành trái tim nàng tuy không sứt đầu mẻ trán (như cách vẫn thường xảy ra) nhưng cũng lắm nỗi bi hài của thi sĩ Ngu Kha, ca sĩ Hòa “lé” cùng thi sĩ K.K với những bài thơ đọc xong là xách dép chạy dài…
Để có thể kể hết những tài tình của nhà văn đất Quảng, cách dẫn chuyện khéo léo và duyên dáng của ông cũng như khả năng bậc thầy trong nắm bắt tâm lý tuổi thiếu niên, tôi nghĩ bao ngòi bút ngoài kia đã thay tôi nói hộ và các tác phẩm khác của bác Ánh cũng tự thân nó phát tiết ra hết rồi. Điều đặc biệt ở đây là những cuốn sách mà ông viết ra, dù con người ta có ở độ tuổi nào thì khi đọc lại vẫn vẹn nguyên cảm xúc, vẫn thấy bản thân mình lấp ló trong hình hài những ngày xưa, vẫn ngạc nhiên và vui tươi rồi cố kỳ đọc cho bằng hết (dù đôi lúc cái kết đã nắm rõ cả rồi). Không phải lúc nào bác Ánh cũng kết thúc những đứa con tinh thần của mình trong niềm vui ngọt lùi như mật, nhưng dù có cười ra nước mắt, người ta vẫn trân trọng và thích thú khi cầm đến và đọc bởi ở đó họ tìm lại được phần tuổi trẻ bị đánh rơi.
Hai tay vốc đầy quá khứ, tôi mải miết lần giở đến trang cuối cùng, đọc thêm một trang là lại có thêm một tràng cười nghiêng ngả. “Hoa hồng xứ khác”(hay vô số các tác phẩm khác của ông) thực sự khiến người đọc mỗi dịp cầm lên là một dịp thư giãn với chính mình.
III. Trích dẫn sách Hoa Hồng Xứ Khác
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
“Nếu một ngày nào đó, bạn bước vào tuổi mười sáu, lại phải đi trọ học xa nhà, thoát khỏi sự canh gác nghiêm ngặt của ba mẹ bạn, hẳn là bạn cũng được nghe những lời dặn dò kỹ lưỡng và vô vọng của các bậc sinh thành, hệt như trường hợp tôi ngày xưa.
Nhìn chiếc va-li đã được khóa chặt của tôi, mẹ tôi khuyên nhủ bằng một giọng lo lắng chân thành:
– Con ra thành phố ráng lo học, đừng đi chơi lông bông, đừng đua đòi chúng bạn!
Ba tôi cũng nói những lời y hệt mẹ tôi, có vẻ như tối hôm trước hai người cùng soạn chung với nhau những điều răn dành cho tôi. Tuy nhiên, giọng ba tôi nghiêm nghị hơn, có pha một chút đe dọa.
Tôi ngoan ngoãn đứng nghe, đầu gật lia lịa. Vẻ tử tế quá đáng của tôi khiến ba mẹ tôi hài lòng trông thấy. Có lẽ đến giờ phút này, ba mẹ tôi mới nhận ra tôi là một đứa trẻ nết na, dễ bảo mà trước đây vì một lý do nào đó hai người đã không nhìn thấy.
Trong tâm trạng hân hoan tột đỉnh đó, ba tôi ngẫu hứng nói thêm:
– Con cũng nhớ đừng yêu đương nhăng cuội! Còn đang đi học, phải để hết tâm trí vào bài vở, đừng để chuyện tình cảm vớ vẩn làm xao lãng đầu óc nghe chưa!
– Nghe!
Tôi hét lớn, giọng quả quyết. Ba tôi thật buồn cười. Tôi mà thèm vào yêu với đương. Tôi là tôi chúa ghét bọn con gái. Cái bọn về nhà chỉ biết học gạo, đến lớp thì õng a õng ẹo, lúc nào cũng ra vẻ “tiểu thư” thấy mà bắt ngứa con mắt! Suốt những năm học lớp tám, lớp chín, tôi không bao giờ chơi với bọn con gái. Mà bọn chúng hình như cũng chẳng thèm chơi với tôi. Hai bên cứ như chó với mèo, mỗi lần gặp nhau là nhe răng “gừ gừ”.
Tôi cũng không hiểu rõ tại sao tôi lại ghét bọn con gái đến thế. Có thể là do một sự kiện đáng buồn năm lớp bảy. Hồi đó, tôi ngồi ở đầu bàn, gần cửa ra vào. Ngồi kế bên tôi là nhỏ Mỹ Hạnh. Mỹ Hạnh là một con nhỏ láu lỉnh nổi tiếng. Nó là vua phá phách và chọc ghẹo. Suốt năm, nó cà khịa tôi hoài. Nhưng tôi nín nhịn. Dù sao tôi cũng là con trai. Chẳng lẽ tôi đánh nhau với nó. Đánh nó, có thắng cũng chẳng vinh quang gì, còn bị phạt, lại bị tụi bạn chọc cho ê mặt. Nghĩ vậy, tôi gồng mình chịu trận, mặc cho nó làm mưa làm gió.”
———
“Trong khi chờ đợi Gia Khanh quay xuống hỏi mượn “một cái gì đó” như lời dự đoán của Ngữ, tôi tẩn mẩn lục tìm trong sách báo và vô cùng ngỡ ngàng khi phát hiện ra vô số câu thành ngữ và vô số nhà thông thái không tiếc lời tán dương phụ nữ. Họ ca ngợi “kẻ thù” của tôi lên tận mây xanh. Nào là “trên đời chỉ có hai cái đẹp: phụ nữ và hoa hồng”, nào là “phụ nữ là nhà giáo dục đầu tiên”, nào là “phụ nữ được tạo dựng nên để làm dịu sự hung hãn trong tính cách của người đàn ông”, ôi thôi đủ thứ!
Ngay cả đại văn hào như ông Balzac cũng “bơm” phụ nữ hết biết: “rung cảm, yêu, chịu đau khổ, hy sinh: những chữ này mãi mãi dệt nên trang đời của người phụ nữ”. Nếu phụ nữ “tuyệt diệu” như ông nói thì đặt quách họ lên bàn thờ mà lạy cho rồi! Hẳn lòng ông nghĩ thế nhưng ông ngại nói thẳng ra đấy thôi! Chả bù với ông Legouver! Ông này thì nói huỵch toẹt, không úp mở “bạn hãy quỳ dưới chân những người cùng phái với mẹ bạn!”
———
“Tôi mặc chiếc quần vía của Bá, dây nịt của Hòa, xỏ đôi giày mới mua của Ngữ. Thằng Nghị thì đưa cho tôi mượn chiếc đồng hồ Seiko và chiếc Honda của nó. Nói tóm lại, ngày tôi đến với mối tình đầu, chỉ có chiếc áo sơ mi là của chính tôi, nếu không kể trái tim đang đánh lô tô trong ngực. Vậy đó, tôi đi.”
———
“Trưa đó, tôi về nhà trên đôi chân sáo. Tôi không cảm thấy mặt đất dưới chân tôi. Tôi đang bay. Tôi lơ lửng trôi qua những của hiệu và cột đèn. Tôi suýt đâm sầm vào bánh xe ô tô mười sáu lần cả thảy. Tôi hát vang trên đường, bất chấp ánh mắt kinh dị của những người chung quanh. Hôm đó, quả thật tôi gặp hên, nếu không cảnh sát đã tống cổ tôi vào nhà thường điên.”
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!