Thể Loại | Cẩm Nang Làm Cha Mẹ |
Tác Giả | Lưu Vệ Hoa & Trương Hân Vũ |
NXB | NXB Bách Khoa Hà Nội |
CTy Phát Hành | Huy Hoàng Bookstore |
Số Trang | 459 |
Ngày Xuất Bản | 01 – 2015 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
“Không cứ phải là thần đồng, không cứ phải là giàu có, chỉ cần phương pháp giáo dục đúng đắn, tích cực, mọi đứa trẻ đều sẽ trở thành nhân tài.”
Em phải đến Harvard học kinh tế là cuốn sách tường thuật và tổng kết lại những kinh nghiệm nuôi dạy con cái từ lúc lọt lòng cho đến khi thành tài của Lưu Vệ Hoa và Trương Hân Vũ, mẹ và cha dượng của cô bé Lưu Diệc Đình – “cô gái Harvard” – thần tượng học tập của giới trẻ Trung Quốc. Sau khi xuất bản, cuốn cẩm nang này đã giữ ngôi vị best-seller trong suốt 16 tháng liên tục, lượng xuất bản lên tới gần 3 triệu bản, nhận được hưởng ứng tích cực chưa từng thấy từ các bậc phụ huynh. Nhân vật chính của cuốn sách – Lưu Diệc Đình, năm 1996 thi đỗ vào trường trung học ngoại ngữ Thành Đô sau một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Sau vô số những nỗ lực tích cực và thành tích xuất sắc, đến năm 1999 đã nhận được giấy báo nhập học và học bổng toàn phần của bốn trường Đại học tại Hoa Kỳ, trong đó có Harvard. Sau đó, cô theo học chuyên ngành Kinh tế học và Toán ứng dụng tại Harvard, tháng 6 năm 2003 tốt nghiệp, vào làm việc trong tập đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group) nổi tiếng. Hiện cô định cư tại Mỹ.
Đây là cuốn cẩm nang tuyệt vời dành cho các bậc cha mẹ!
II. Review sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế của tác giả Lưu Vệ Hoa và Trương Hân Vũ . Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. BẢO TRÂM review sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
“Em phải đến Harvard học kinh tế” thật là một cuốn sách hay và tốt cho các bậc cha mẹ. Lối viết gần gũi, dễ hiểu. Không hẳn ai trong chúng ta cũng kỳ vọng con mình được vào trường Harvard, và cũng cũng không hẳn đọc cuốn sách này xong sẽ giúp con vào được trường Harvard, nhưng qua cuốn sách này sẽ biết được mỗi đứa trẻ đều có thể trở thành người có ích nếu cha mẹ thực sự có phương pháp giáo dục đúng đắn, tích cực.
Không tạo áp lực cho con nhưng cuốn sách hướng dẫn chúng ta rèn cho con trẻ những thói quen học tập tốt, đặc biệt là giáo dục con trẻ đức tính khiêm nhường, hòa đồng, cởi mở và yêu thương mọi người. Một cô bé Diệc Đình tưởng chừng bất hạnh bởi ba mẹ ly hôn, nhưng nhờ sự kiên trì, phương pháp đúng đắn của mẹ Lưu Vệ Hoa, bà ngoại và cha dượng Trương Hân Vũ mà cô bé đã rất thành công trên con đường học vấn cũng như cuộc sống. Thật là một cuốn sách hay và ý nghĩa mà các bậc cha mẹ sớm mua về cho con cái mình :))).
2. Y DIÊN VĨ review sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
“Em phải đến Harvard học kinh tế” là quyển sách trong list sách mà mình sẽ phải mua khi mình trở thành mẹ, vì một trong những mong ước của cuộc đời là có thể dạy con thật tốt. Tất nhiên quyển sách cũng chỉ là để tham khảo thôi chứ không thể áp dụng với bất cứ ai. Một vài điểm trong quyển sách thấy những hoạt động của trẻ có cơ sở lý luận làm theo:
- “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm” của Kimura Kyuchi đề cập đến giáo dục của thần đồng Carl Witer.
- Theo TS. Grand Dawnon: để phát triển tài năng trí lực của con bạn đó chính là cho cháu bò, thúc đẩy đại não -cơ quan khiến trẻ thông minh.
Để trẻ chú ý quan tâm, chú ý đến xúc cảm của người khác để sống có trách nhiệm, biết yêu thương, quan tâm đến mọi người và để có mục tiêu phấn đấu. Một người biết coi trọng tình cảm cuả người khác thì không cần hướng dẫn họ cũng có thể ‘tự chế ngự bản thân’ . Thống kê điều tra các nhà tâm lý học, ở độ tuổi lên 3, một đứa trẻ có độ tuổi tâm lý “sớm 2 năm” là tuyệt đỉnh thông minh. Khi đến 13 tuổi, sự ‘sớm 2 năm’ sẽ không có gì đặc biệt nữa. Vì con người cỡ khoảng 6-12 tuổi, sự tăng trưởng trí lực có quan hệ trực tuyến với tuổi đời, sau 12 tuổi khó căn cứ vào tuổi đời đẻ phán đoán trí lực của người ( mức 100). Tuổi từ 0-3 có thể cho trẻ học chữ, ngoại ngữ, kích thích tiềm lực ( khả năng tiềm ẩn của trẻ) chứ không đơn thuần là học tập tri thức từ sớm.
“Phát triển trí lực là hòn ngọc vô giá, còn truyền thụ tri thức chỉ là một vật quý giá mà thôi.”
Theo lời tác giả, cơ sở cảu tính cách được hình thành ngay trong những ngày thơ ấu. Thói quen sinh hoạt ngay từ những năm tháng đầu đời, thái độ cha mẹ, không khí gia đình, tất cả sẽ biến thành đặc trưng tính cách cảu trẻ sau này. Một tính cách tốt:
- Vui vẻ, hoạt bát
- Bình tĩnh, chuyên tâm
- Dũng cảm, tự tin
- Yêu lao động, quan tâm đến mọi người.
Nhiều chuyên gia tâm lý điều tra nghiên cứu đã thấy, những sự bất hòa giữa cha mẹ và con cái, phần lớn bắt nguồn từ việc con cái “quá ỷ lại” vào cha mẹ, làm cha mẹ luôn cảm thấy bất lực, không đủ sức chiều con cái, còn con cái thì luôn oán trách cha mẹ bất tài. Trẻ con ở nông thôn ngay từ nhỏ đã tận mắt nhận thấy sự làm ăn vất vả của cha mẹ, bản thân chúng cũng phải trực tiếp giúp cha mẹ phần nào việc đồng áng, nên chúng hiểu và thông cảm với những nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, so với trẻ con thành phố chúng biết yêu thương cha mẹ hơn. Vì vậy cần phải thông qua những việc gia đình cho chúng thấy được sự vất vả trong lao động đồng thời là cơ hội đẻ cha mẹ giải thích những điều trong cuộc sống (hòa tan nước đường, xà phòng,..)
Nhân tiện, nói về nuôi dạy con cái, khi nghe bài nói chuyện của chị Hương Thảo, bố mẹ chị là người không ủng hộ chị đi theo con đường nghệ thuật ( bố mẹ đều là người làm khoa học) nhưng bố mẹ chị không phản đối mà để chị tự quyết định, cho chị ‘thử’ để xem mình có thể đi theo con đường đó không. Quay trở lại với cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” này, Lưu Vệ Hoa cũng đã từng dùng nhiều cách để ngăn không cho con gái mình theo múa bale mặc dù từ nhỏ con đã rất thích. Như vậy, chỉ để con có thể tự quyết định khi ở một độ tuổi ít nhất đã có sự chín chắn trưởng thành ( > 20 tuổi) thì con cái mới có đủ khả năng để quyết định cuộc đời mình.
3. VÕ THỊ NGỌC HƯƠNG review sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
Em phải đến Harvard học kinh tế – Lưu vệ Hoa, Trương Hân Vũ. Đây là một cuốn sách vô cùng bổ ích, tuyệt vời cả về hình thức lẫn nội dung. Cuốn sách này kể về quá trình nuôi dạy con của mẹ Lưu Vệ Hoa và Trương Hân Vũ. Người con ở đây chính là cô bé Lưu Diệc Đình -“cô gái Harvard”- thần tượng học tập của nhiều học sinh Trung Quốc và cả tôi. Cô quả là xuất chúng, cùng một lúc Lưu Diệc Đình đã nhận được 4 thư trúng tuyển và nhận học bổng toàn phần của 4 trường đại học danh giá của Mỹ: Học viện Mount Holyoke, Học viện Wellesley, Đại học Columbia và Đại học Harvard.
Không phải ngẫu nhiên mà cô có thể trở thành người xuất sắc đến như vậy được. Bên cạnh công sức và sự nỗ lực của Lưu Diệc Đình, thì sự kiên trì bền bỉ, hy sinh vì công cuộc “giáo dục từ bé” của mẹ và cha dượng, đây có lẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến thành công của cô. Khi đang mang thai Đình Nhi (Lưu Diệc Đình), mẹ Lưu Vệ Hoa đã đọc được cách giáo dục con của Witte Cha, bà đã lên kế hoạch để “đào tạo” con mình theo cách tốt nhất.
Theo từng độ tuổi, bà cùng Trương Hân Vũ có từng phương pháp dạy con phù hợp nhằm khai thác sự học hỏi, hình thành liên kết não bộ Đình Nhi theo cách thú vị và hiệu quả nhất. Vì vậy, chẳng có gì là lạ khi mà trí tuệ cô lại vượt xa nhiều bạn cùng trang lứa. Đình Nhi được mẹ rèn luyện những kĩ năng cơ bản từ việc gấp quần áo, dọn dẹp đồ chơi, tự tắm rửa, phụ mẹ vào bếp, tiết kiệm tiền tiêu vặt, kĩ năng tự tin trước đám đông, tu dưỡng đạo đức và lối sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên…
Trên phương diện khác, xuyên suốt cuốn sách này, tôi chưa từng thấy Đình Nhi có bất kì ý kiến riêng nào, cô học tập hoàn toàn dựa trên sự kiểm soát của mẹ.. điều này có lẽ không còn đúng với trẻ con ngày nay, bọn trẻ có quyền nêu ra ý kiến của bản thân mình nhiều hơn. Tôi nghĩ có thể Lưu Diệc Đình là một cô bé may mắn, nếu không có sự giáo dục từ nhỏ của mẹ và cha dượng thì cô khó có được như ngày hôm nay. Và con của chúng ta cũng vậy, chúng cũng sẽ là thiên tài nếu tôi và các bạn quan tâm, rèn luyện cháu từ sớm. “Giáo dục từ sớm” sẽ góp phần không hề nhỏ đối với sự thành công của con em bạn ngày mai.
Cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” không những trang bị cho tôi kiến thức nuôi dạy trẻ, chính tôi cũng đã học hỏi nhiều điều từ nó. Rất mong nhiều bậc cha mẹ Việt Nam quan tâm và tìm đọc!
“Dù là trẻ bình thường, nhưng nếu biết cách giáo dục, cũng có thể trở thành người xuất chúng.” -Claude Adrien Helveticus
4. PHUONG review sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
“Em phải đến Harvard học kinh tế” – Một cuốn sách mà mình nghe tên đến từ rất lâu, nhưng mãi vẫn không đọc. Đó là bởi vì nghe tiêu đề, mình nghĩ rằng chắc sách sẽ là một loạt cách ép buộc, đào tạo nghiêm khắc để có “sản phẩm” là một tài năng nổi trội, mà mình thì nghĩ nuôi dạy con giỏi được thì tốt, nhưng quá cực đoan thì có lẽ không phù hợp với suy nghĩ của mình. Tất nhiên, đấy chỉ là suy nghĩ rất chủ quan từ việc nhìn tiêu đề cuốn sách cũng như việc đọc lướt qua vài dòng trên các trang mạng giới thiệu về cuốn sách. Sau khi đọc xong cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế”, mình cảm thấy thật may mắn vì đã “kịp thời” đọc cuốn sách này, không chỉ có ích về việc định hướng nuôi dạy em bé từ 0 tuổi, mà cả những cách nhìn nhận về cuộc sống, đối mặt với sự việc cũng như việc cần thiết trau dồi suy nghĩ và viết lách.
Các điểm chính thú vị về việc nuôi dạy con:
- Việc viết nhật ký là rất hữu hiệu. Từ trước đến giờ mình luôn nghĩ nhật ký là việc ghi lại những việc “vô thưởng vô phạt” của một ngày, chú trọng vào việc thể hiện cảm xúc cá nhân. Tuy nhiên, nhật ký trong cuốn sách này là cách để tạo thói quen viết, cũng như viết có câu chủ đề, sau đó là phân tích ý, sao cho có trọng điểm.
- Làm việc có thời gian biểu, việc nào ra việc đó là quan trọng.
- Bố mẹ cần tìm hiểu về các thứ xung quanh con, trước khi có thể đưa ra lời khuyên hay kịp thời có hướng xử lý cho hành động của con, cũng như những hỗ trợ cần thiết. Ví dụ khi con ở thời kỳ chống đối, để phản đối việc con say mê yêu thích cái gì mà bố mẹ nghĩ sẽ ảnh hưởng xấu đến con, không chỉ là mắng mỏ ngăn cấm mà cần tìm hiểu về thứ con yêu thích trước, trên cơ sở lý giải mặt lợi/hại mới cùng nói chuyện với con. Trước những thử thách về mặt học tập con phải đối mặt, nếu bố mẹ không tìm hiểu và không có kiến thức về chu trình (ví dụ như cách nộp đơn vào các trường ĐH của Mỹ và xin học bổng), sẽ không thể hiểu hết sự vất vả của con cũng như có được sự hỗ trợ tối đa.
Tuy nhiên, cũng phải nói đến những điểm cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” không nêu bật lên nhưng làm mình rất bận tâm, ví dụ như các hành động bạo lực (đánh bạn) của cô bé trong truyện khi vào tuổi mới lớn. Hành động này có lẽ là có một phần nguyên nhân từ việc người mẹ cũng khá nóng vội, dễ mắng mỏ quát tháo trong quá trình nuôi con lớn.
5. DUONG DINH review sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
Một phụ nữ có được tư duy và tầm nhìn giáo dục như vậy ở những năm 1980 thực sự rất là cấp tiến, xây dựng trên nền tảng trí thức sẵn có của gia đình mà cô Lưu Vệ Hoa được hấp thụ và ủng hộ. Chưa nói đến nhân tài kiệt xuất, nuôi dạy một đứa trẻ nên người, đủ năng lực và tư chất quả là một kỳ công.
Muộn màng thì bạn có thể xem quyển sách là cẩm nang “hy sinh đời mẹ củng cố đời con”, tuy nhiên, hoàn thiện một con người là quá trình suốt đời, có thể sẽ khó khăn với những nhân cách đã định hình từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ là quá trễ để thay đổi thành tốt hơn. Và phụ nữ, dù hoàn cảnh chẳng đặng đừng phải đơn thân, hay may mắn có người chung vai gánh vác việc hôn nhân gia đình nuôi con, dẫu thế nào đi nữa, cũng đừng bao giờ từ bỏ công việc của mình ngoài xã hội, có thể hy sinh “sách lược”, nhưng đừng bao giờ từ bỏ. Bởi lẽ, chỉ khi bản thân mình có cảm hứng và nội lực từ bên trong, giữ được đuốc bền thì mới truyền được lửa lâu.
6. PHUONG HA review sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
“Em phải đến Harvard học kinh tế” mình đọc từ hồi cấp 3 lận, đọc vì tiêu đề với mong muốn định hướng được nghề nghiệp cho bản thân vì lúc đó sắp thi đại học =)) nhưng hóa ra nội dung quyển sách lại hoàn toàn khác, không như mình nghĩ.
Quyển sách này giống như 1 quyển nhật kí ghi lại quá trình của 1 “mẹ hổ” nuôi dạy 2 con mình từ khi trong bụng mẹ như thế nào để cả 2 con đều trở thành thiên tài và đỗ harvard. Như tất cả mọi người đều biết, Harvard là 1 trường cực kì khó vào, nhất là còn đối với dân châu Á, và vào được Harvard là một mục tiêu cho con cái mà bất kì ông bố bà mẹ nào cũng mong muốn.
Ngay từ khi mang thai thì “mẹ hổ” đã xác định chắc chắn được mục tiêu này cho con mình và sử dụng những biện pháp kích thích sự phát triển trí não của trẻ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Mình không review theo khía cạnh có con vì chắc trong room này cũng ít người thuộc tập đó =)), nhưng có 1 số key takeaway mà mình thấy rất đáng học hỏi và có thể áp dụng vào cv:
- Bà mẹ này xác định được mục tiêu ngay từ đầu và có kế hoạch rõ ràng để con mình có thể đạt được mục tiêu đó.
- Khi thực hiện mục tiêu thì bà mẹ này cũng nghiên cứu rất nhiều (những phương pháp dạy con, đọc về phát triển não bộ của trẻ, các giai đoạn phát triển của trẻ để biết nên áp dụng phương pháp nào trong thời gian nào,….) do đó có sự chuẩn bị rất tốt và kĩ càng từng bước cho quá trình học của con
- Cực kì nghiêm khắc: đã đưa ra kế hoạch là con sẽ cần được rèn luyện để thực hiện theo, tuy nhiên cũng vẫn tôn trọng các sở thích của trẻ con, kết hợp giữa chơi và rèn luyện trí óc.
- Quản lí thời gian nghiêm ngặt: giờ nào là giờ chơi, giờ nào là giờ rèn luyện – bà mẹ này đều làm rất chặt, rất đúng. Điều này cực kì khó không chỉ đối với trẻ con – thuộc dạng khó bảo, thích làm gì thì sẽ làm, mà còn là thử thách với các bà mẹ khi không chỉ có con cái mà còn công việc xã hội. Điều này giúp rèn cho con tính kỉ luật và độc lập, dần dần còn biết quản lí thời gian của bản thân.
- Rất nhẫn nại, kiên trì: dạy trẻ con thì không bao giờ là dễ cả, vì chúng có những cách phản ứng rất không ngờ với mọi thứ xung quanh. Nhưng bà mẹ này rất kiên trì với con mình, để chỉ dẫn cho nó từng chút một ngay từ bé, khiến cho con phát triển vượt trội so với các bạn bè cùng trang lứa.
Áp dụng vào công việc, mình thấy những phẩm chất/ kĩ năng này đều rất cần thiết khi muốn đạt được kết quả nổi bật, hoặc muốn bản thân phát triển. Nếu ai đang cảm thấy mình còn “dễ dãi” với bản thân quá, không có mục tiêu, hay có rồi mà vẫn chưa nghiêm khắc với bản thân mình để đi đến nơi đến chốn thì có thể đọc thử xem sao để lấy động lực :)) Còn tất nhiên nếu có con mà muốn tham khảo thì tốt quá (tuy nhiên đây lại là 1 câu chuyện khác – một góc nhìn review khác =)))
Nếu áp dụng vào việc nuôi dạy con thì cá nhân mình thấy hơi thái quá. Tập trung cuộc đời con nhiều vào mong muốn của bố mẹ hơn là bản thân con cái. Tuy nhiên cũng là 1 góc nhìn đáng tham khảo để con phát triển nhanh hơn.
P.S. Do sách đọc đã lâu nên các chi tiết có thể không thật sự chính xác, nhưng tinh thần chung mình nhớ được là như vậy.
7. VÂN KHÁNH review sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
Qua cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” này thực sự mình vô cùng khâm phục ba mẹ của Đình Đình vì từ những năm 1980 mà học đã có tư tưởng dạy con vô cùng tiến bộ và nhiều phương pháp vẫn có thể áp dụng tuyệt với trong thời đại ngày nay. Cuốn sách viết theo mình cũng hơi lộn xộn chút, có thể theo mạch của tác giả nhưng với người không đồng hành suốt quá trình trưởng thành của Đình Đình thì nhiều chỗ mốc thời gian hơi rối. Từ cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” này, mình sẽ áp dụng triệt để việc giáo dục con theo một số điểm mà mình thấy khả dụng và phù hợp với gia đình mình:
- Bồi dưỡng cho con từ bé: hãy luôn khuyến khích sự suy nghĩ, giải quyết vấn đề của trẻ, tôn trọng ý kiến của trẻ, đặt mình vào vị trí của trẻ để thấu cảm, rồi mới định hướng cho trẻ
- Luyện cho con thói quen viết nhật ký: nếu cn chưa biết viết, hướng dẫn con làm văn miệng, nhỏ như con mình (2-3 tuổi) có thể mô tả lại những sự vật sự việc xung quanh, đặt cho con những câu hỏi mở. Lớn hơn một chút khi đi du lịch tham quan nhất định lúc về phải viết bài thu hoạch về những điều đã trải nghiệm hay học tập được vừa qua
- Rèn luyện trí não phải đi đôi với rèn luyện thân thể: sức khỏe vô cùng quan trọng nên mình sẽ cho con học một môn thể thao nào đó con thích để sau này vừa rèn luyện sức khỏe lại vừa có một hình thức giải trí lành mạnh sau giờ học giờ làm. Ngoài ra giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà cũng là một hình thức rèn luyện vừa bồi dưỡng sự tự lập, biết chia sẻ công việc trong gia đình cũng vừa giúp bé có thể rèn luyện thân thể.
Tóm lại thì “Em phải đến Harvard học kinh tế” vẫn là một cuốn sách nên đọc để thấy được một tấm gương về giáo dục con, về sự vượt khó, về ý chí quyết tâm của cả gia đình.
8. THAI HUONG review sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
Nếu “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” 10 thì cuốn “Em phải đến Harvard học kinh tế” này theo mình mới được 7. Hai cuốn đều có những điểm rất giống nhau: cùng nuôi dạy con thành tài, hai người đều là những bà mẹ đã ly hôn và đều là nhà báo,… Có thể là mẹ Hải Âu cũng tham khảo cách dạy con của Lưu Vệ Hoa để có cách dạy con thành tài nhưng mẹ Hải Âu đã phát triển những cái sơ khai thành một cách dạy con đầu đủ, vẹn toàn. Vì mình đọc cuốn Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu trước nên đọc cuốn này cảm thấy không ý nghĩa lắm. Dù sao đây cũng là cuốn sách nền móng viết về cách nuôi dạy trẻ thành tài nên rất đáng có trong “những cuốn sách nên đọc trước khi làm mẹ”. Nếu ai chưa đọc thì mình khuyến khích đọc cuốn “Em phải đến Harvard học kinh tế” này trước rồi hẵng đọc “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” sau.
9. ÁNH NGỌC review sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
Mình đang đọc quyển “Em phải đến Harvard học kinh tế” này, tuy chưa hết nhưng mà vì hay nên muốn lên đây viết vài dòng. Quả thực thì tiêu đề dễ đánh lừa người khác, mình đã nghĩ đây là một cuốn sách hướng dẫn học tập cho lớp trẻ như mình nhưng hoá ra lại là cách dạy con thành tài. Nhưng cũng chẳng vì thế mà cuốn sách này không thôi hấp dẫn được. Cá nhân sau khi đã đọc được gần nửa quyển (và những trang cuối hướng dẫn nhỏ của tác giả) thấy thì cuốn này cũng vẫn sẽ dùng được cho lớp trẻ. Bởi có những bài học ở chính đứa con của tác giả mà mình cảm thấy mình phải học tập.
Mọi người sẽ nghĩ đến đứa con rất giỏi, nhưng bản thân mình thấy bác Lưu Vệ Hoa còn giỏi hơn nữa. Sống trong thời kì mà không phải ai cũng có được ý chí nuôi dạy và khoa học công nghệ như mạng xã hội chưa phát triển mà bác đã có những tư tưởng và vốn kiến thức khiến những người như mình sống ở thời kì tiên tiến hơn cực kì ngưỡng mộ. Bác có những đam mê mà nó không chỉ dùng lại ở ‘đam mê’ thôi, nó còn hướng hẳn đến hành động để đạt được ‘đam mê’ của mình. Mình chưa đọc đến phần của bác Trương Hân Vũ nên chưa thể đưa ra lời nhận xét nhưng mà đúng là không sai khi nói thành công của con là có phần (rất rất) nhiều của cha mẹ (theo mặt tích cực). Nói đến phần của bản thân như là tự lực học tập thì cũng không phải không đúng nhưng nếu đã đọc được những trang đầu sẽ thấy là bản lĩnh và ý chí cũng như sức khoẻ của chị Lưu Diệc Đình đều do một tay bác Lưu Vệ Hoa bồi dưỡng nên (những năm tháng còn rất bé).
Kì thực “Em phải đến Harvard học kinh tế” là một cuốn sách đáng đọc!
III. Trích dẫn sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trích đoạn sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế
THỜI GIAN MANG THAI, MẸ CỦA LƯU DIỆC ĐÌNH ĐÃ CÓ ĐƯỢC MỘT CUỐN SÁCH HAY
Là người mẹ sinh dưỡng con, tôi hiểu hơn ai hết rằng, Lưu Diệc Đình có được ngày hôm nay chính là quá trình của luật nhân quả. Nhưng để tất cả những nhân tố này được phát huy tác dụng, chính là do cháu được sinh ra trong thời đại tốt đẹp chưa từng có. Chính trong “phong trào giải phóng tư tưởng” của công cuộc “cải cách mở cửa”, bố mẹ cháu mới được tiếp xúc với những lý luận và phương pháp giáo dục từ sớm của Âu Mỹ và Nhật Bản và có cơ sở vững chắc để giáo dục Diệc Đình từ sơ sinh đến các thời kỳ phát triển sau này.
Những ai từng trải qua thời kỳ đó hẳn đều biết, trong thời kỳ đầu cải cách mở cửa, nổi lên nhiều tư tưởng và học thuyết mới. Những phần tử trí thức tiến bộ đều rất hăng hái tìm tòi và giới thiệu những tư tưởng mới, phương pháp mới để có thể thúc đấy cuộc cuộc hiện đại hoá đất nước. Trong các trước tác lý luận của nước ngoài, Nhà xuất bản Nhân dân Hà Bắc đã xuất bản cuốn sách “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm”. Cuốn sách mỏng manh và ngay cả tên người dịch cũng không có này đã gây hứng thú vô cùng cho hiệu trưởng Khâu, bạn của tôi trong lớp học giáo dục từ sớm của tổ chức Thành Đô năm 1980. Chị ấy hứng thú mua luôn vài cuốn rồi đem tặng cho đám bạn bè đàn em đang muốn sinh con, tôi may mắn cũng có được một cuốn.
Khi đó, chính sách chỉ sinh một con vừa mới bắt đầu thực hiện, tôi và cha Đình Nhi đã trải qua một kế hoạch cẩn thận mang thai cháu. Khi có được cuốn sách này, tôi vừa đang thực hiện kiểm tra thai định kỳ ở bệnh viện. Trước khi kết thúc kiểm tra, bác sĩ Hồng, khoa Sản phụ xoa lên bụng tôi một lớp kem và đặt chiếc ống nghe lên, mở máy, tiếng “tung, tung, tung …” nhanh đều vang lên, giống như tiếng còi tàu hoả chạy từ xa. Bác sĩ Hồng cười nói:
– Đó chính là nhịp tim đập của cháu bé con bạn đấy, mạnh mẽ lắm!
Lần đầu tiên nghe được nhịp đập của Lưu Diệc Đình. Và cũng là lần đầu tiên nghe được lời tán thưởng của người khác đối với con mình. Tôi vừa vui mừng lại vừa đắc ý. Mừng vì thời kỳ thai nghén nghiêm trọng suốt ba tháng chưa ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành thai nhi. Mặc dù cứ và bốn giờ chiều và chín giờ tối hàng ngày tôi đều bị nôn oẹ kịch liệt, nhưng hai bữa cơm buổi trưa và buổi tối tôi đều cố hết sức ăn, có thể ăn được bao nhiêu là cố gắng bấy nhiêu. Bữa sáng duy nhất không bị nôn ói tôi đều duy trì mỗi ngày hai quả trứng gà, đến hơn 10 giờ còn tăng thêm cốc sữa đậu nành … Nói tóm lại, bản thân khi khó chịu cũng phải đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Tôi nghĩ, đó là cách nghĩ của tất cả những bà mẹ chỉ sinh một con. Hiện thực chỉ được sinh một con đã khiến lời kêu gọi nuôi dạy con tốt của Chính phủ biến thành nguyện vọng tự phát của cả thế hệ chúng tôi.
Trước khi có được cuốn sách “thiên tài và sự giáo dục từ sớm”, tôi đã được xem qua mấy cuốn sách khoa học nuôi dưỡng trẻ nhỏ, chuẩn bị đầy đủ về ý thức làm thế nào cho trẻ khoẻ mạnh. Nhưng làm sao nuôi dưỡng trẻ trở thành người thông minh tài giỏi? Ngoài việc di truyền, tôi chưa tìm ra biện pháp nào khác.
Từ góc độ di truyền, hai bên cha mẹ của Diệc Đình, ông nội Đình Nhi là một cán bộ lão thành có tinh lực dồi dào, đầu óc minh mẫn, trí nhớ rất tốt, ông ngoại Đình Nhi là một “phái hữu” già tài hoa, ý chí kiên cờng. Theo lời ông ngoại, tên ban đầu của ông là Đàm Tế Dân, trong tộc phả có ghi: “Tổ tiên họ Đàm là Thái sử Tư Mã Đàm đời Hán. Sau này do Tư Mã Thiên bị cung hình, bị coi là nỗi đại nhục của gia tộc, để tránh hoạ nhục cho gia tộc nên đã đổi thành họ Đàm.
Sự ghi chép của tộc phả tự nhiên khiến mọi người tự hào, nhưng là một truyền thuyết khó có thể kiểm chứng, như Kporrob đã viết trong cuốn “Con ngỗng của La Mã”: “Cứ coi tổ tiên bạn thật sự là tướng quân, nhưng bạn vẫn chỉ là con ngỗng La Mã”.
Trên thực tế, sự di truyền tốt chỉ là tiềm chất với ý nghĩa sinh học, muốn thành công về mặt ý nghĩa xã hội học, bất cứ ai cũng đều phải nỗ lực sau khi sinh nở.
Trong tâm trạng đó, tôi đã có cuốn sách “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm” do hiệu trưởng Khâu tặng, tôi vô cùng vui mừng và phấn khởi.
MỞ RỘNG TẦM NHÌN, TẠO RA “THIÊN TÀI” KHÔNG CHỈ LÀ GIẤC MỘNG
Có được cuốn sách ấy, tôi vui mừng như vớ được vàng, hằng ngày mỗi khi rời trụ sở tạp chí, tôi đều đọc nghiền ngẫm cho tới tận đêm khuya. Thành tựu huy hoàng của những người đi trước trong thực hiện giáo dục từ sớm làm tôi mở rộng tầm nhìn. Tư tưởng giáo dục và biện pháp nuôi dưỡng con cái cụ thể của họ lại càng hấp dẫn tôi.
Cuốn sách trước tiên giới thiệu quá trình nuôi dưỡng “thần đồng” Carl Witer. Khi chưa có con, ông đã đề ra biện pháp giáo dục con cái ngay từ khi mới lọt lòng. Theo lời ông, “việc giáo dục đối với con trẻ phải bắt đầu đồng thời với ánh bình minh trí lực của nó”. Ông tin tưởng rằng, với những đứa trẻ bình thường, chỉ cần giáo dục đúng sẽ có thể trở thành người phi thường.
Con của mục sư Witer sinh vào tháng 7 năm 1800, Witer con sinh ra có vẻ ngốc nghếch hơn những đứa trẻ bình thường, xóm giềng đều cho đứa bé mắc chứng đần đồn. Mẹ của Witer con cũng nói: “Việc nuôi dạy đứa con như vẫy sẽ chẳng có ích lợi gì, chỉ thêm tốn tiền của sức lực”. Mục sư Witer tuy cảm thấy buồn, nhưng vẫn không từ bỏ chủ trương của mình. Để con 17 – 18 tuổi vào đại học không bị kém cỏi so với những đứa trẻ khác, ông quyết định vẫn tiến hành thử nghiệm giáo dục thời kỳ đầu như kế hoạch. Không ai có thể ngờ được rằng, kết quả thể nghiệm lại gây kinh ngạc đến như vậy.
Witer 8 – 9 tuổi đã có thể sử dụng sáu ngôn ngữ: Đức, Pháp, Italia, Anh, Latin và Hy Lạp, thông hiểu động vật học, thực vật học, vật lý và hoá học, đặc biệt cậu bé rất giỏi toán học. Năm Witer lên 9 tuổi cậu thi đỗ vào Đại học Leipzig; chưa đầy 14 tuổi, do hoàn thành luận văn toán học nên được trao học vị tiến sĩ triết học, khi 16 tuổi chàng trai trẻ lại giành được học vị tiến sĩ Pháp học của Đại học Berlin; ở 23 tuổi, Witer trở thành nhà Pháp học ưu tú và nghiên cứu về Dante. Witer suốt cuộc đời dạy học, tạ thế ở tuổi 83, trải qua một cuộc đời hạnh phúc, vui sướng và nổi tiếng.
Witer đã đem sự giáo dục Witer trước tuổi 14 viết lại thành cuốn sách “Giáo dục Carl Witer”. Cuốn sách này khi đó chưa được mọi người coi trọng, chỉ còn rất ít bán được lưu hành cho đến ngày nay. Điều thú vị là, trong thư viện Đại học Harvard còn lưu giữ một bản. Nghe nói đó là cuốn sách hiếm duy nhất của nước Mỹ. Thư viện này coi đó là vật quý, và nó được lưu giữ trong phòng lưu trữ vật đặc biệt quý hiếm. Phàm là những ông bố bà mẹ may mắn được đọc cuốn sách này và làm theo phương pháp trong cuốn sách thì đều nuôi dưỡng thành công con cái trở thành cực kỳ ưu tú giống như con của Witer cha.
Đầu thế kỷ này, một giáo sư thần học Mỹ đã đọc cuốn sách này và áp dụng phương pháp của Witer cha để giáo dục cho con cái mình, nuôi dưỡng con trai Bill 13 tuổi và con gái Lina 15 tuổi của mình trở thành sinh viên nhỏ tuổi của Đại học Harvard. Ngoài ra còn có Sedce trở thành sinh viên Đại học Harvard khi 13 tuổi của Werner, tiến sĩ Harvard khi 18 tuổi đều được giáo dục theo phương pháp này. Cha của họ đều đọc cuốn “Giáo dục Carl Witer” và cũng đem quá trình giáo dục thời kỳ đầu đối với con mình viết thành sách.
Kimura Kyuichi – học giả Nhật Bản đầu thế kỷ 20, đã chú ý tới thành tựu và trước tác của họ. Để dân tộc Nhật Bản có nhiều nhân tài, năm 1916, Kimura Kyuichi đã viết cuốn sách “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm”, giới thiệu lý luận và phương pháp giáo dục của Witer cha và những người đi theo ông. Học thuyết giáo dục thời kỳ đầu mà cuốn sách này viện dẫn đã tạo nên ảnh hưởng sâu sắc đến tư chất dân tộc Nhật Bản.
Đến nay tôi vẫn chưa biết vị hảo tâm nào đã dịch cuốn sách “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm” ra tiếng Hán. Chỉ biết rằng cần phải cảm tạ người sáng lập và những người đã thực hiện biện pháp giáo dục từ sớm này, mở ra con đường thành công cho những ông bố bà mẹ mong muốn nuôi dưỡng con mình thành tài. Rất nhiều ông bố bà mẹ nuôi dưỡng con theo phương pháp trong sách, tạo ra vô số những thanh niên ưu tú. Tư chất ưu tú của Lưu Diệc Đình khiến nhiều trường học nổi tiếng trên thế giới coi trọng, cũng chính là được giáo dục trên cơ sở cuốn sách này.
Khi đó, tôi cũng không ngờ được rằng, chính tư tưởng giáo dục được truyền bá trong cuốn sách cất giữ ở thư viện Harvard cuối cùng đã đưa Lưu Diệc Đình đến với chính Harvard.
NGHIỀN NGẪM PHƯƠNG PHÁP, LẬP CHÍ PHÁT TRIỂN TIỀM NĂNG CỦA CON CÁI
Đọc hết cuốn “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm”, trong tôi đã nẩy sinh một tâm nguyện mãnh liệt – chỉ cần sinh ra một đứa trẻ trí lực bình thường, nhất định sẽ nuôi dưỡng nó thành ngời có năng lực phi phàm! Vì thế tôi nghiền ngẫm phương pháp nuôi dạy con của Witer cha, nghiền ngẫm tư tưởng giáo dục của ông.
Witer cha cho rằng, khả năng bẩm sinh của những đứa trẻ là khác nhau, có đứa mạnh hơn, có đứa kém hơn. Nhưng sự khác biệt đó là có giới hạn. Giả dụ thiên tài bẩm sinh là 100 phần năng lực thì sự bẩm sinh đần độn từ khi nhỏ chỉ khoảng dưới 10 phần, còn khả năng bẩm sinh của trẻ bình thường khoảng 50 phần. Nếu như tất cả những đứa trẻ đều được giáo dục như nhau, vận mệnh của chúng phụ thuộc vào khả năng bẩm sinh nhiều hay ít. Thế nhưng tất cả những đứa trẻ đều được áp dụng sự giáo dục không có hiệu quả, cho nên chúng đã không thể phát huy được ngay cả một nửa khả năng bẩm sinh của chúng. Ví dụ khả năng bẩm sinh là 80 phần thì chỉ có thể phát huy được 40 phần, khả năng bẩm sinh là 60 phần thì chỉ có thể phát huy được 30 phần. Nếu cha mẹ giáo dục một cách có hiệu quả có thể phát huy khả năng bẩm sinh lên 8 – 9 phần, giả sử khả năng bẩm sinh của đứa trẻ là 50 phần, có thể nuôi dưỡng giáo dục nó vượt qua đứa trẻ có khả năng phẩm sinh 80 phần. Đương nhiên, nếu như đứa trẻ có khả năng bẩm sinh cũng được áp dụng biện pháp giáo dục tương tự, thì đứa trẻ kia sẽ không thể nào vượt qua được nó. Có điều, những đứa trẻ mới sinh ra đã có khả năng bẩm sinh cao siêu là không nhiều. Khả năng bẩm sinh của đại đa số trẻ em ở khoảng 50 phần – đối với những người có chí thực hiện giáo dục từ sớm thì điều đó cũng là đủ lắm rồi.
Witer cha ý thức được rằng, muốn phát huy khả năng bẩm sinh của đứa con lên 8 – 9 phần, thì phải bắt đầu giáo dục từ sớm. Điều này đã được ngành tâm lý học sinh vật đời sau chứng minh. Vì tiềm năng của đứa trẻ có quy luật giảm dần. Ví dụ nói một đứa trẻ sinh ra đã có tiềm năng 100 phần năng lực, nếu như tiến hành giáo dục một cách lý tưởng đối với nó từ khi lọt lòng, nó sẽ có thể trở thành người có năng lực. Nếu như bắt đầu giáo dục từ 5 tuổi, giả sử có tiến hành giáo dục một cách xuất sắc thì cũng chỉ có được 80 phần năng lực. Nếu như đến 10 tuổi mới bắt đầu giáo dục, thì năng lực chỉ đạt khảng 60 phần.
Căn cứ vào nghiên cứu của các nhà khoa học hiện đại cho thấy, nguyên nhân của quy luật “giảm dần tiềm năng trẻ em” là do: tiềm năng của mỗi động vật đều có thời kỳ phát triển của mình, hơn nữa thời kỳ phát triển này là cố định, bất biến. Bất luận là dạng tiềm năng nào, nếu không cho nó phát triển ở thời kỳ đó thì sẽ không bao giờ có thể phát triển được nữa. Ví dụ, thời kỳ phát triển “năng lực theo mẹ” của gà con là trong khoảng 4 ngày sau khi nở, nếu như trong 4 ngày đầu đó không cho gà con ở bên cạnh mẹ, thì nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ đi theo mẹ nữa. Thời kỳ phát triển “năng lực nhận biết âm thanh của mẹ” đối với gà con là trong khoảng thời gian 8 ngày sau khi sinh. nếu trong khoảng thời gian đó không cho gà con nghe âm thanh gà mẹ thì năng lực đó sẽ vĩnh viễn mất đi. Thời kỳ phát đạt “năng lực giấu thức ăn thừa xuống đất” của chó con cũng có thời hạn nhất định, nếu trong khoảng thời gian đó đem cho con đặt trong một gian phòng không thể giấu thức ăn xuống dưới đất, thì nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ có được năng lực này. Năng lực của con người chúng ta cũng vậy, tiềm năng trẻ em đáng quý nếu như không có cơ hội phát triển trong thời kỳ đó cũng sẽ bị thui chột. Nói ngược lại, nguyên nhân của việc đào tạo giáo dục thiên tài từ sớm chính là ở chỗ đó.
Con người của thời kỳ đầu thế kỷ 19 lại không hiểu được điều đó, ngoài mấy người thân cận, mọi người đều nói Carl Witer là “thiên tài” bẩm sinh chứ không phải là kết quả của sự giáo dục. Tư tưởng giáo dục của Witer cha cũng không được phổ biến ở nước Đức. Tôi nghĩ, thuyết pháp “bẩm sinh quan trọng hơn giáo dục”có lợi hơn người lớn – vừa có thể tự an ủi mình lại vừa có thể trốn tránh trách nhiệm. Nhưng nếu như Witer cha cũng nghĩ như thế, ông sẽ không thể nuôi dưỡng được đứa con ưu tú như vậy.
Việc đọc sách và suy ngẫm thời kỳ mang thai đã khiến tôi nhận thức sâu sắc rằng: ngoài việc nuôi dưỡng một cách khoa học trong cuộc sống, điều quan trọng nhất trong nuôi dưỡng trẻ là phải tránh hiện tượng “mai một dần tiềm năng của trẻ”, đối với mỗi dạng tiềm năng của trẻ đều phải kịp thời tạo cơ hội phát triển cho nó. Điều quan trọng hơn là, bố mẹ phải có tinh thầnh trách nhiệm cao, kiên trì thực hiện không mệt mỏi. May mà tôi và cha của Diệc Đình đều cùng chung một quan điểm, anh ấy cũng muốn dùng phương pháp của Witer cha để nuôi dưỡng con gái mình trở thành người có trí lực siêu phàm.
……
Trên đây là một trính đoạn sách Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế – Lưu Vệ Hoa và Trương Hân Vũ. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!