Có Gì Đẹp Hơn Yêu Em – Ngô Kha

Có Gì Đẹp Hơn Yêu Em - Ngô Kha

Bài thơ: Có Gì Đẹp Hơn Yêu Em

Có gì đẹp hơn yêu em?
một ngày tuy không hò hẹn
tâm tư vẫn tìm về nhau
anh nhìn bóng đêm cuối tháng nghẹn ngào
thời gian không còn chung thuỷ!

Yêu em
anh tin cuộc đời
gửi lời nhớ thương bằng tâm niệm
hồn vẩn vơ theo màu áo em phất phới hương bay
anh nhìn những mái lầu nghiêng lệch
dòng sông không còn trong bằng tình chúng mình yêu nhau

Cuộc đời làm sao ví lòng người?
hai con tàu ngược chiều
nếu vật chất che mờ không trung và trái đất
không bao giờ thay đổi lòng mình khi đã yêu

Anh thường nhủ
đời em như nền mây
hồng thắm, nhạt mờ
lộng lẫy hay mơ buồn
theo dòng thời gian biến đổi
anh vẫn yêu em
như thuở ban đầu
dù nền trời dập dồn vân vũ
anh tin
tình yêu kết nụ đơm bông

Anh dang tay đón em
bằng nỗi lòng ấp ủ
dù người đời mặc cả tình thương

Anh vẫn còn yêu
như ngày xuân cũ
và còn nghe mãi
âm điệu màu hoa niên

Mây trời
dòng sông
khoang thuyền
trôi nổi!…
thành quách
lâu đài
danh vọng
phai mờ!…

Tất cả là xa xí phẩm
lòng người giữ mãi tình yêu

Phượng cầu hoàng
héo hắt chờ đợi
dù phượng hoàng chúa tể chim trời
yêu tiếng nói tuyệt vời
anh còn yêu em mãi…

Anh vẫn còn chờ em
anh vẫn còn đợi em
dù dòng sông đổi lòng
bể sâu cuồng sóng

Anh đón em
bằng hơi thở
hò hẹn âm thầm
như trái núi
đá bia
không biết nói
lịch sử còn nhắc nhở
sao trên trời
im lìm bỡ ngỡ
có ai biết?
một vì sao mãi đợi chờ
vì vẫn trọn lời yêu em.

Thông tin về tác giả Ngô Kha

Tác giả Ngô Kha

Ngô Kha sinh ngày 2/3/1935 tại làng Thế Lại Thượng, Huế, trong một gia đình khoa bảng. Ông tốt nghiệp thủ khoa khoá 1 Đại học Sư phạm Huế, cử nhân luật khoa, từng dạy văn và công dân ở các trường Quốc học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo – Huế từ năm 1960 cho đến ngày mất tích (ngày 30/1/1973, Ngô Kha bị chính quyền cũ bắt âm thầm và từ đó không còn ai gặp lại nữa). Trên bục giảng, với tri thức, lòng nhiệt huyết và lý luận sắc bén, thầy giáo Ngô Kha là một người gây ảnh hưởng lớn cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Huế. Trong phong trào đấu tranh đô thị, Ngô Kha cũng là một biểu tượng đầy bản lĩnh, ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và thái độ của giới trí thức văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Vào đầu thập niên 1970, nhà thơ Ngô Kha chủ trương nhóm trí thức đấu tranh Tự quyết (cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Thái Ngọc San, Chu Sơn). Ông cũng là người sáng lập và là Chủ tịch Mặt trận văn hoá dân tộc miền Trung do Thành uỷ Huế chỉ đạo năm 1972. Đến ngày 30/1/1973, Ngô Kha bị nhà cầm quyền tại Thừa Thiên bắt và thủ tiêu. Ông được nhà nước công nhận liệt sĩ vào cuối năm 1981.

Thơ Ngô Kha với những thi ảnh choáng ngợp vẫn còn lay động sâu sắc người đọc. Trong đó trường ca Ngụ ngôn của người đãng trí được xem như là một biểu tượng của dòng thơ siêu thực Huế mà đến nay chưa tác phẩm nào vượt qua được. Tác phẩm của Ngô Kha đã xuất bản bao gồm: “Hoa cô độc” (thơ, 1961), “Ngụ ngôn của người đãng trí” (trường ca, 1969), Trường ca Hoà bình (1969). Năm 1991, Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã xuất bản tuyển tập “Thơ Ngô Kha“. Tháng 10/2005, bạn bè và học trò của nhà thơ đã tổ chức xuất bản cuốn sách “Ngô Kha – ngụ ngôn của một thế hệ“, do một số thân hữu trí thức Huế sưu tầm và biên soạn. Hàng năm, vào 25/12 âm lịch, bạn bè và những người yêu thơ Ngô Kha vẫn hội tụ về ngôi nhà cũ của ông ở đường Bạch Đằng để tưởng niệm. Tại Huế đã có một con đường được đặt tên Ngô Kha từ năm 2005.

Có thể bạn quan tâm:

> Tác phẩm khác của tác giả Ngô Kha

> Góc Thơ – Những Bài Thơ Hay

Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Bài Thơ Con Gái - Trần Mộng Tú

Bài Thơ Con Gái – Trần Mộng Tú

MỤC LỤCBài thơ: Có Gì Đẹp Hơn Yêu EmThông tin về tác giả Ngô KhaBài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *