Bài thơ: Chia Tay Người Hà Nội
Tặng anh Trần Quang Dũng
Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa,
Cái rét đầu đông giật mình bật khóc.
Hoa sữa thôi rơi những chiều tan học,
Cổ Ngư xưa lặng lẽ dấu chân buồn.
Trúc Bạch giận hờn phía cuối hoàng hôn,
Để con nước thả trôi câu lục bát.
Quán cóc liêu xiêu dăm ba tiếng nhạc,
Phía Hồ Tây vọng lại một câu Kiều.
Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu,
Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm.
Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím,
Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa.
Hà Nội mùa này nhớ những cơn mưa…
Đêm Hội quán – Đông 1992
Bài thơ này được đăng trên tạp chí Tuổi xanh năm 1992, sau đó đã được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc thành bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa.
Thông tin về tác giả Bùi Thanh Tuấn
Bùi Thanh Tuấn (sinh ngày 12 tháng 5 năm 1974), còn có các bút danh Lão Bộc, Bùi Bảo Nghi, là một trong những nhà thơ đương đại của Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Thành phố HCM. Anh là tác giả bài thơ “Chia tay người Hà Nội”, được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng là “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”. Từ thời trung học, anh có tham gia cộng tác với báo Mực tím và cũng có một số bài thơ đăng báo.
Sau khi tốt nghiệp Trung học, anh theo học Khoa Ngữ văn – Báo chí, Đại học Tổng hợp Thành phố HCM. Cuối năm 1992, anh viết một bài thơ mà sau này trở nên nổi tiếng để tặng người bạn gái cùng học đại học. Trong một chuyến tập huấn của cán bộ Đoàn các trường đại học, cao đẳng miền Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh Hè năm 1993, Bùi Thanh Tuấn, lúc bấy giờ là cán bộ Đoàn khoa Văn, đã đọc tặng các bạn từ Hà Nội vào bài thơ này. Trong số đó có cả nhạc sĩ Trương Quý Hải, bấy giờ là Phó bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau đó, Trương Quý Hải đã phổ nhạc bài thơ và đặt tên bài hát là “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, phỏng theo câu thơ đầu. Còn về bài thơ gốc, Bùi Thanh Tuấn sau đấy mới đặt tên là “Chia tay người Hà Nội.
Tại Hà Nội, nơi đem lại cho anh những danh vọng đầu tiên, anh vẫn có thể kiếm sống bằng việc cộng tác viết báo. Cũng nhờ danh tiếng này mà anh được giới thiệu thi công chức, sau đó vào làm việc cho Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa – Thông tin. Năm 2002, anh được cử đi Singapore học về đồ họa trong 6 tháng, nhưng lại bỏ dở để quay về.
Các bài thơ được phổ nhạc
Một số bài thơ của Bùi Thanh Tuấn đã được phổ nhạc thành bài hát. Nổi tiếng nhất là bài thơ “Chia tay người Hà Nội“, sáng tác cuối năm 1992. Ban đầu bài thơ chưa đặt tên, được tác giả sáng tác để tặng một người bạn gái thân thiết học chung lớp đại học tên Bùi Thị Mai Vân, khi tác giả chưa một lần đặt chân đến Hà Nội. Bài thơ được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc vào năm 1993, nhưng mãi đến năm 1997, khi chương trình Làn Sóng Xanh ra đời, bài hát trở nên được nhiều người biết đến. Nhiều ca sĩ đã thể hiện bài hát rất thành công đặc biệt là Mỹ Linh (Hà Nội) và Cẩm Vân (Thành phố Hồ Chí Minh). Hai ca sĩ khác cũng được đánh giá là nổi bật là Thu Phương và Tuấn Ngọc. Nhạc sĩ Trương Quý Hải cũng thành danh với bài hát này, và trong dịp kỷ niệm 10 năm chương trình Làn Sóng Xanh, ông đã được trao giải thưởng thành tựu với “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa“.
Các bài thơ phổ nhạc khác:
-
- “Ru lòng khờ dại“, sáng tác và tự phổ nhạc năm 1998, được ca sĩ Nhất Thiên Bảo, sau đó là Thanh Hà (hải ngoại), Nguyệt Anh thể hiện.
- “Nếu địa đàng chẳng còn gì để nhớ…“, sáng tác năm 2003, được nhạc sĩ Nguyễn Quốc Khánh phổ nhạc năm 2006 và đổi tên thành bài “Phúc âm chiều“, được ca sĩ Đình Nguyên, sau đó là Tuấn Ngọc thể hiện.
Có thể bạn quan tâm: |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!