Bốn Mùa Mưa – Bàng Bá Lân

Bốn Mùa Mưa - Bàng Bá Lân

Bài thơ: Bốn Mùa Mưa

Ta yêu mưa xuân,
Phơi phới trên vườn mận nở,
Trên cánh hoa đào rực rỡ,
Trên áo quần diêm dúa hội mừng xuân.
Mưa rơi rơi…
Cho cành xuân căng nhựa,
Cho má em tươi hồng.

*

Ta yêu mưa hè,
Ào ào như thác đổ.
Lá tre rơi đầy ngõ,
Nước đồng giăng trắng xoá mênh mông.
Cây xanh màu mới,
Người vui giải nồng.

*

Ta yêu mưa thu,
Mưa giăng sầu ly biệt,
Mưa nhắc mãi mối hận tình bất diệt,
Của chàng Ngưu ả Chức bên sông Ngân.

Ta yêu mưa đông,
Mưa phùn câm lặng.
Mưa xoá mờ rặng cây trên đường vắng,
Mưa đem trời nằng nặng xuống gần ta.

*

Ta yêu mưa bốn mùa,
Nghe nhạc trùng rên rỉ,
Giun khóc chân tường, dế than dưới cỏ,
Nhạc sầu dâng buồn bã suốt năm canh.
Ta thích đêm mưa, nằm sát cửa sau mành.
Nghe gió rít từng hồi qua kẻ hở,
Nghe gió đập tàu tiêu, mưa nức nở…
Nghe hồn mưa than thở với hồn ta!
Ta yêu mưa bốn mùa,
Vì lòng ta gió mưa chẳng ngớt!
Ta muốn đêm dài mưa không ngưng hạt,
Cứ mưa hoài, mưa mãi… Mưa, mưa, mưa.

Sài Gòn, 5-1957

Nguồn: Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968

Thông tin về tác giả Bàng Bá Lân

Tác giả Bàng Bá Lân

Bàng Bá Lân (1912-1988), tên thật là Nguyễn Xuân Lân; là nhà thơ, nhà giáo, và là nhà nhiếp ảnh Việt Nam.

Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1912 ở phố Tân Minh, Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, chính quán của ông lại là làng Đôn Thư, tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Năm 1916 – 1918, ông theo cha mẹ lên sống ở Vôi rồi ở Kép thuộc tỉnh Bắc Giang.

Năm 1920 – 1928, ông sống với bà nội ở Đôn Thư, sau đó lại về Kép, học trường tiểu học Pháp-Việt ở Phủ Lý, Phủ Lạng Thương và đỗ bằng tiểu học Pháp-Việt ở Đáp Cầu.

Năm 1929 – 1933, ông vào học trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi), đỗ bằng thành chung. Vì thi tú tài mấy lần không đỗ, năm 1934 ông về Kép vui thú điền viên, làm thơ, chụp ảnh và xuất bản tập thơ đầu tiên Tiếng thông reo.

Trước Cách mạng tháng Tám ông đã có những tác phẩm: Tiếng thông reo (1934), Xưa (hợp tác với nữ sĩ Anh Thơ, 1941), Tiếng sáo diều (1939 – 1945).

Vào Sài Gòn, ông dạy học và cộng tác với nhiều nhật báo, tuần san, bán nguyệt san và xuất bản thêm: Để hiểu thơ (1956), Thơ Bàng Bá Lân (1957), Tiếng võng đưa (1957).

Năm 1969, xuất bản các tập truyện: Người vợ câm, Vực xoáy, Gàn bát sách (phiếm luận) và tập thơ Vào thu. Ông cũng cho in hai quyển sách Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại cùng một số sách Giáo khoa Việt văn cho nhiều cấp lớp. Ông còn đứng làm chủ bút tập san Bông Lúa vào thập niên 1950 ở Sài Gòn.

Từ 1977 đến 1984, Bàng Bá Lân viết thêm Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại quyển 3, hồi ký Trọn đời cho thơ (bản thảo đã thất lạc). Ngoài ra, ông còn viết truyện ký danh nhân Anh em Lumière, ông tổ nhiếp ảnh, viết sách bình khảo, dịch truyện, dịch thơ v.v.

Trong lãnh vực nhiếp ảnh, Bàng Bá Lân cũng tỏ ra là một người có tài năng. Ông từng đoạt những giải thưởng, như: Giải Agfa-Việt báo (Hà Nội, 1937), giải nhì cuộc thi ảnh tạo phủ Thống sứ Bắc Kỳ (1938), huy chương của La Revue Francaise de Photographie et de Cinématographie (tạp chí nhiếp ảnh và điện ảnh Pháp) ở Paris (1939), giải thưởng Ferrania (1953); giải thưởng Triển lãm Tuần lễ Văn nghệ Sài Gòn (1955)…

Các tác phẩm nhiếp ảnh của ông từng được triển lãm ở Hội quán Hội Trí Tri, (Hà Nội, 1939), Bologna (Ý, 1952), Antwerpen (Bỉ,1953), Paris (Pháp, 1953), Singapore (1953), Cuba (1954), Rochester (Mỹ, 1956)…

Ngày 20 tháng 10 năm 1988, Bàng Bá Lân qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 76 tuổi.

Có thể bạn quan tâm:

> Tác phẩm khác của tác giả Bàng Bá Lân

> Góc Thơ – Những Bài Thơ Hay

Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Áo Đỏ - Vũ Quần Phương

Áo Đỏ – Vũ Quần Phương

MỤC LỤCBài thơ: Bốn Mùa MưaThông tin về tác giả Bàng Bá LânBài thơ: Áo …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *